Giới thiệu   |   Liên hệ 

Hiệu quả từ việc đào tạo nghề trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

16/03/2015
Thời gian qua, huyện Mang Yang đã đào tạo nhiều lớp học nghề ngắn hạn cho người dân lao động nông thôn trên địa bàn. Qua  đó, đã có nhiều ngành nghề phát huy hiệu quả và mang lại nhiều thay đổi trong đời sống người dân trên địa bàn huyện. Trong đó, nghề thợ xây là một trong những nghề được phát huy mạnh tại địa phương.

Nhóm thợ nề (hay còn gọi là thợ xây) tuy chỉ có 7 người, tất cả đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ mới sau 4 năm thành lập đến nay, đã xây dựng được tổng cộng 31 ngôi nhà. Không cần quảng cáo, thay vào đó là “ trăm nghe không bằng mắt thấy” với sự uy tín của mình, đội thợ xây người ĐB DTTS xã Ayun do Ông Mưr - làng Lê Bông-Xã Ayun làm nhóm trưởng đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong vùng và các huyện lân cận khi thực hiện việc “ đại sự của cả đời người” đó là xây nhà. Đây là nhóm thợ được đào tạo từ chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn của huyện MangYang.
Gia đình ông Lê Văn Lối là chủ cửa hàng bán vật liệu xây dựng, vừa là chủ thầu các công trình xây dựng ở tại thôn 1-xã Ayun. Tuy là chủ thầu xây dựng nhưng đối với ông để có được ngôi nhà mới để ở, vừa buôn bán, tiếp khách hàng khiến ông luôn trăn trở. Ông tâm sự:“ là chủ nhà thầu, cũng có một nhóm thợ nề riêng, nhưng ông không sử dụng đội thợ nề của mình quản lý mà lại thuê nhóm thợ nề người ĐB DTTS xây dựng cho chính ngôi nhà của mình. Với lý do rất đơn giản đó là giá nhân công rẻ, làm việc có tâm, nhanh nhẹn, vui vẻ.  Gia đình ông đã xây được một ngôi nhà bề thế với tổng diện tích khoảng 270 m2 gồm có 4 phòng, chỉ trong vòng 2 tháng là hoàn thiện đến khâu cuối cùng.  Ông Lê Văn Lối- Thôn 1-Xã Ayun cho biết: Làm nhà rất bài bản, từ trụ nhà đến la phông được anh em làm rất tốt, so với người Kinh lấy 250 ngàn/cây thì tôi thấy những người  đồng bào lấy 200 ngàn/cây giá thành rất rẻ so với người Kinh. Tôi rất hài lòng với nhóm thợ nề này…”

Cũng giống gia đình ông Lối, gia đình chị Nhạc ở làng Vay Viêng –xã Ayun cũng đang gấp rút phần còn lại ngôi nhà đang dở dang của mình. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên để có tiền xây nhà ở, chị phải tích góp từ số tiền bán mì, lúa và bán bò được khoảng 200 triệu đồng. Thường “cái khó ló cái khôn”, trong điều kiện khó khăn nên chị đã phải “ lựa cơm để gắp mắm” để quyết định chọn thợ xây nhà cho mình. Để tiết kiệm chi phí nhân công, chị đã quyết định chọn nhóm thợ nề trên để thực hiện.  Gia đình chị xây theo kiểu nhà một mái, với diện tích 48m2 gồm 2 phòng. Bao gồm cả chi phí nhân công, vật liệu xây dựng gia đình chị chỉ mất 140 triệu đồng đã có một ngôi nhà tương đối khang trang, đủ để sinh hoạt ấm cúng.  Chị Nhạc –làng Vay Viêng – xã Ayun vui vẻ nói:“Để xây dựng ngôi nhà mới, gia đình tôi phải bán bò, mì, lúa. Nhân công người đồng bào vừa rẻ, họ vừa làm, vừa giúp, đồng bào mình làm nhà cũng vui vẻ, nhiệt tình…” 
 
 Trên đây chỉ là 2 trong rất nhiều hộ gia đình được nhóm thợ nề người ĐB DTTS xây dựng nhà ở. Hiện tại, đội thợ nề do ông Mưr làm nhóm trưởng có thể đảm nhận tất cả các khâu để hoàn thiện một ngôi nhà, từ phần nề đến phần mộc điện - nước… nếu gia chủ yêu cầu. Ông Mưr- Thợ nề làng Lê Bông-Xã Ayun nói: “Trước kia ở đây khổ, nhờ nhà nước đào tạo việc làm như thợ xây dựng. Năm 2011 được trường trung cấp nghề đào tạo nghề Gia Lai về tại xã Ayun dạy nghề xây dựng. Đội của tôi có 7 người mình thấy rất là vui khi được nhà nước cho mình học nghề  Sau học nghề xong gia đình giờ đây đủ ăn, bây giờ thì ổn định. Đề nghị cấp trên đào tạo thêm nghề may, sửa xe máy...”    
     
Trong năm qua, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động nông thôn luôn được UBND Huyện Mang Yang chú trọng quan tâm. Trong đó, nhiều ngành nghề được đào tạo mang lại hiệu quả như: nghề xây dựng, sửa chữa máy nổ, trồng và chăm sóc cây cà phê, cây hồ tiêu, cao su ... nhờ đó, đã mang lại nhiều cơ hội cho người nghèo ở nông thôn có nghề nghiệp ổn định, thay đổi cuộc sống. Ông Nguyễn Hữu Mặc - Trưởng phòng LĐ và TBXH huyện nói: “Trong những năm qua, được sự qua tâm của các cấp trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trên địa bàn huyện đã tập trung đào tạo 2 ngành nghề chính cho ngành trồng trọt và chăn nuôi. Bên cạnh đó, đào tạo thêm ngành nghề xây dựng, sửa chữa máy cày, nhờ đó đã tạo được nhiều việc làm và thu nhập cho người dân trên địa bàn. ”

Đào tạo nghề giúp người lao động có việc làm tăng thu nhập ổn định cuộc sống cần được duy trì và phát huy. Hy vọng rằng, đội thợ nề là người đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Plei Bông , xã Ayun sẽ trở thành điểm nhấn, là những con ong chăm chỉ để ngày càng có những ngôi nhà khang trang, kiên cố mọc lên trên chính mảnh đất của họ và dần lan tỏa sang các địa phương vùng lân cận../.
                                                                                                                               T/h: Ngọc Kim
 
 

Các tin khác