Giới thiệu   |   Liên hệ 

Hội phụ nữ xã Kon Chiêng nhận giải thưởng Kovalevskaya.( Ko-va)

16/03/2015
 Xã Kon Chiêng huyện Mang Yang là xã vùng 3. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Hội phụ nữ xã đã  tổ chức nhiều phong trào làm theo lời Bác bằng những việc làm thiết thực hiệu quả như mô hình “Kho thóc tình thương”; “Nuôi bò tình thương”. Chính những việc làm đó, Hội  phụ nữ Kon Chiêng được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaya (Kova) do tập đoàn Sơn Ko va vinh danh là 1 trong 4 tập thể toàn quốc nhận giải thường Kova - vì đã có thành tích trong việc giúp các hội viên phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang là 1 trong 4 tập thể trên toàn Quốc vừa được nhận giải thưởng Kovalevskaya (ko-va). Đây là giải thưởng tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa .

Gần 15 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa thu hoạch lúa vào tháng 7 tháng 8, mỗi gia đình phụ nữ trong làng Ktu- xã Kon Chiêng với tinh thần tự nguyện, tự giác đều đóng góp 20 kilôgam lúa. Tùy điều kiện từng gia đình, có những gia đình thu hoạch được nhiều thì góp nhiều hơn, khi đến mùa giáp hạt, chị em được mượn thóc về để ăn, sau khi thu hoạch mùa xong thì trả lại. Đặc biệt các gia đình có người bị tàn tật không phải góp thóc mà còn được chi hội hỗ trợ từ kho thóc tình thương này. Điều đáng nói là việc xây dựng kho thóc, nuôi bò tình thương này được Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng - có 100% chị em là  dân tộc thiểu số khởi xướng, và đến nay đã có  một số Hội phụ nữ  trên địa bàn huyện làm theo.Chị Đinh Thị Giao-Phó CT Hội phụ nữ làng Ktu- xã Kon Chiêng vui vẻ cho biết: : “Trong hội viên làng Ktu, khi gặt lúa xong là nộp một người 20 kg lúa, đến tháng 7 ai đói là cho mượn, đến mùa cắt lúa năm sau là trả lại, còn người tàn tật thi cho không. Qua mô hình, hội viên rất vui, rất phấn khởi vì được như thế là giúp chị em hội viên nghèo mừng lắm

Chị Đinh Thị Kuênh- Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kon Chiêng cũng cho biết: “Kế hoạch nộp lúa thực hiện từ năm 2000, lý do là phụ nữ mình nghèo đói, nên nộp bằng lúa thôi, số lượng là một chị 20kg, đến tháng 7, tháng 8 đưa cho mấy chị mượn, nếu chị em nào đơn thân, khó khăn thì cho không. Hội sẽ phấn đấu tiếp tục mô hình này…”
Cùng với kho thóc tình thương, Hội còn phát động thêm mô hình “Nuôi bò tình thương” và trồng mì gây quỹ. Để có tiền mua bò giống, Hội đã bán các loại nông sản tự trồng được. Sau khi mua bò giống về, tổ chức họp, bình bầu những gia đình hội viên nào khó khăn nhất sẽ được giao nuôi trước. Sau một thời gian chăm sóc, bò cái sinh sản được thì lại chuyển con bò giống mẹ sang cho hộ khó khăn tiếp theo. Còn bê con sẽ thuộc sở hữu hoàn toàn của gia đình hội viên đó. Nhờ vậy, đến nay Hội đã phát triển được đàn bò 25 con, giao cho 10 hội viên nuôi. Cứ luân chuyển liên tục như vậy nên số hội viên thoát nghèo trong xã ngày càng tăng.

Hiện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon chiêng có 41 tổ hội, 802 hội viên (chiếm 98,6% phụ nữ toàn xã). Đến nay Hội Phụ nữ xã đã xây dựng được 4 kho thóc ở 4/9 chi hội với số lượng 7,3 tấn. Trong những năm qua, bình quân mỗi năm giúp từ 70-80 hội viên gặp khó khăn thiếu đói lúc giáp hạt . Ngoài ra, Hội thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả sử dụng quỹ Hội và hướng dẫn cho chi Hội sử dụng quỹ đúng mục đích. Đến nay, tổng số quỹ hội là  trên 200 triệu đồng, số quỹ này được Chi hội cho các chị khó khăn vay đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó năm 2014 đã có 66 hội viên thoát nghèo. Theo thống kê, hiện số hội viên phụ nữ nghèo toàn xã còn 116 hộ, số phụ nữ sản xuất giỏi 70 hộ, Hội viên phụ nữ khá 143 hộ.

Bằng những việc làm thiết thực, mô hình “Kho thóc tình thương” và “Nuôi bò tình thương” của phụ nữ xã Kon Chiêng đã giúp chị em hội viên thêm gắn bó hơn trong cuộc sống, tạo thêm niềm tin của chị em đối với tổ chức hội và góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Chị Trương Thị Đào PCT Hội LHPN huyện Mang Yang cho biết: Huyện đã triển khai mô hình kho thóc thình thương và chọn Hội LHPN xã Kon Chiêng làm điểm, đến nay 9/9 chi hội của xã Kon Chiêng đã có mô hình kho thóc tình thương này. Đặc biệt đối với xã Kon Chiêng 100% đồng bào dân tộc thiểu số nên mô hình kho thóc tình thương rất phù hợp với chị em, thứ nhất về gây quỹ chị em co thể đóng góp bằng ngày công, bằng lúa chứ không thể bằng tiền vì khó khăn đối với chị em. Có nhiều mô hình, như mô hình trồng mỳ gây quỹ, khi bán mỳ chị em mua bò giúp hộ gia đình nghèo nuôi...”

Từ hiệu quả của mô hình “kho thóc tình thương” và “nuôi bò tình thương” của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Chiêng, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Mang yang đã triển khai 9 /12 xã, thị trấn thực hiện nhân rộng ở các chi Hội trên địa bàn huyện. Trong đó có 7 xã vùng trung tâm huyện xây dựng thêm mô hình kho “cà phê tình thương”, “vườn tiêu tình thương”… để giúp chị em hội viên nghèo phát triển sản xuất.Chị Trương Thị Đào- Phó chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết thêm: Từ mô hình này, Hội LHPN huyện căn cứ tình hình thực tế sẽ nhân rộng mô hình, hiện Hội LHPN đã xây dựng kế hoạch đối với 7 xã trung tâm xây dựng mô hình kho cà phê tình thương, vườn tiêu tình thương để giúp các chị em khó khăn…”.
 
Có thể nói mô hình “Kho thóc tình thương” và “Nuôi bò tình thương” của phụ nữ xã  Kon chiêng nói riêng, Phụ nữ huyện Mang Yang nói chung đã phát huy được tình thần đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn. Hy vọng, mô hình này sẽ ngày càng được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh để giúp đỡ cho nhiều hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống./.
 
                                                                                                               T/h: Ngọc Kim-Đức Phương
                                                
 
 

Các tin khác