Giới thiệu   |   Liên hệ 

GIÁO DỤC MANG YANG 12 NĂM - MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

23/11/2012
      Mang Yang là huyện được chia tách và thành lập theo Nghị định số 37/2000/NĐ-CP ngày 21/8/2000 của Chính phủ. Ngày 22/10/2000, huyện chính thức làm lễ công bố là huyện thứ 13 của tỉnh Gia Lai. Sau 12 năm chia tách, thành lập huyện mới, Mang Yang đã có bước chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Trong đó giáo dục – đào tạo là lĩnh vực được cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, là bước đột phá trong nhận thức và hành động của người dân miền núi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

      Là địa bàn tương đối rộng với hơn 112.606 ha, huyện có 11 xã và 01 thị trấn (trong đó có 4 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) gồm 105 thôn, làng, tổ dân phố. Dân số 57.900  khẩu, trong đó có 62% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Bahnar. So với ngày đầu mới thành lập, tăng 02 xã, 21 thôn, làng, tổ dân phố, 21.043 khẩu. Tỉ lệ hộ nghèo hiện nay là 36,7%.
      Với đặc điểm tình hình nêu trên, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Mang Yang, khóa XIII (nhiệm kỳ 2000 – 2005) đã xác định: Tập trung phát triển kinh tế, đảm bảo giữ vững quốc phòng – an ninh, nhanh chóng làm thay đổi một cách căn bản chất lượng giáo dục – đào tạo, đặc biệt chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
      Xác định rõ điểm xuất phát của huyện còn quá thấp nên việc đầu tư trên lĩnh vực giáo dục – đào tạo cũng phải đi theo hướng phù hợp với khả năng hiện có, từng bước phát triển về số lượng, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, chú trọng chất lượng đại trà, tiến đến xây dựng tỷ lệ chất lượng mũi nhọn tăng hàng năm. Song cùng với nội dung nêu trên, công tác đầu tư xây dựng cơ bản cho trường, lớp ngoài kế hoạch hàng năm còn được các tổ chức, đơn vị kinh tế quan tâm hỗ trợ.
      Năm học 2000 – 2001, toàn huyện có 18 trường, 323 lớp, 33 CBQL, 367 giáo viên, 9.368 học sinh (học sinh DTTS chiếm 51,8 %); 206 phòng học. Đến năm học 2012 – 2013 có 42 trường, 598 lớp, 105 CBQL, 902 giáo viên, 16.257 học sinh (học sinh DTTS chiếm 60,25 %); 446 phòng học. So với năm học 2000 – 2001 tăng 24 trường, 275 lớp, 72 CBQL, 535 giáo viên, 6889 học sinh (học sinh DTTS tăng 8,45%), 240 phòng học. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được các cấp lãnh đạo quan tâm đầu tư. Các nghị quyết chuyên đề về giáo dục – đào tạo; kế hoạch đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được triển khai đồng bộ và đạt hiệu quả. Đến nay huyện có 03 trường của 3 cấp học: Mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, trong đó Trường Mầm non thị trấn Kon Dơng là đơn vị đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Đội ngũ giáo viên, học sinh đạt danh hiệu giáo viên giỏi, học sinh giỏi các cấp tăng hàng năm. Năm 2008, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã tổ chức đi học tập kinh nghiệm về đầu tư xây dựng chất lượng mũi nhọn đối với học sinh bậc tiểu học, THCS tại 02 huyện Chư Sê, KBang. Đến năm học 2009 – 2010, lần đầu tiên huyện có thành tích 9 giáo viên cấp THCS đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh; 10 học sinh lớp 9 đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 01 giải nhất, 02 giải nhì). Thành tích đạt được tuy còn bé nhỏ nhưng cũng là niềm động viên đối với tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong toàn ngành, tạo động lực về tinh thần để giáo dục Mang Yang từng bước đi lên. Bước vào đầu năm học 2012-2013 ngành đã có 02 giáo viên tiểu học đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh, trong đó 01 giáo viên vinh dự được tham gia liên hoan giáo viên giỏi toàn quốc tổ chức tại thành phố Đà Nẵng trong 02 ngày 12,13/11/2012.

      Về chất lượng giáo dục dân tộc, đây là điều băn khoăn, trăn trở đối với ngành giáo dục – đào tạo huyện. Những bài toán về duy trì sĩ số, chất lượng mũi nhọn đối với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn cần phải được tập trung đầu tư. Ngày 26/8/2011, Huyện ủy Mang Yang ban hành Nghị quyết số 07 về nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011 – 2015. Thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy, ngành đã triển khai bước đầu có hiệu quả như: Tổ chức Hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại trường THCS Kon Chiêng, tổ chức bồi dưỡng và thi học sinh giỏi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, .... Kết thúc năm học 2011-2012, lần đầu tiên huyện có 2 học sinh dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện. Đây là tiền đề để tạo nên sức bật mới trong sự nghiệp giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS của huyện Mang Yang. Về phía ngành, sau khi làm việc và thống nhất quan điểm đầu tư xây dựng 01 làng điểm về giáo dục của 01 xã vùng 3, việc định hướng từng bước đưa phong trào thi đua dạy tốt, học tốt ngày càng đi vào chiều sâu; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực… sẽ góp phần thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh là đồng bào DTTS về vai trò của giáo dục trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
      Về công tác phổ cập giáo dục ở các bậc học, đến nay, huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục TH- ĐĐT, phổ cập giáo dục THCS và đang triển khai thực hiện đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Công tác phổ cập đã thực sự mang lại hiệu quả tích cực, tạo điều kiện cho mọi người được tham gia học tập, học tập suốt đời.
      Công tác đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp, trang thiết bị dạy, học: Sau chia tách và thành lập huyện, năm 2000 ngành giáo dục – đào tạo huyện vẫn còn tình trạng lớp học tranh tre nứa lá, mượn nhà dân làm phòng học… Đến năm 2005, về cơ bản đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động dạy và học. Theo đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008 – 2012 được duyệt, huyện Mang Yang được đầu tư 75 phòng học, 70 nhà ở giáo viên. So với tốc độ phát triển trường, lớp hàng năm, đề án đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp giáo dục hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, đến năm 2010 khối lượng công việc thực hiện chỉ mới đáp ứng 50% khối lượng được phê duyệt (38/75 phòng học, 35/70 nhà ở giáo viên). Đây là điều thiệt thòi đối với ngành giáo dục – đào tạo huyện.
      Để bù đắp sự thiệt thòi nêu trên, được sự quan tâm của tỉnh, huyện, của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai, các dự án: THCS II, THCS vùng khó khăn nhất, SEQAP, VNEN… được đầu tư và đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trường, lớp của địa phương. Ngoài ra, với nguồn tỉnh phân cấp quản lý đầu tư hàng năm, nhiều công trình giáo dục được đầu tư tập trung và có hiệu quả. Cho đến nay, tầng hóa phòng học có 21/42 đơn vị trường học (chủ yếu tại trường chính).Nguồn đóng góp xây dựng trường lớp còn được nhiều tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế quan tâm hỗ trợ. Theo thống kê ban đầu, nguồn đóng góp này bình quân hàng năm khoảng 400 – 500 triệu đồng.
      Sự nghiệp giáo dục – đào tạo được Đảng và Nhà nước luôn chăm lo đầu tư phát triển.Trong lộ trình đi đến thực hiện thắng lợi mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” và đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi Nghị quyết TW lần thứ 6 của BCH TW Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đang được triển khai sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, giáo dục – đào tạo phải thể hiện được trách nhiệm của mình trước những yêu cầu cấp bách của xã hội, đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
      Giáo dục và đào tạo huyện Mang Yang còn phải tiếp tục phấn đấu và cần phải nhận thức đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp “trồng người” và hãy trăn trở nhiều hơn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Lời giải đáp về công tác duy trì sĩ số, chất lượng mũi nhọn cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tại huyện Mang Yang trong thời gian đến, góp phần không nhỏ trong việc rút ngắn khoảng cách trình độ dân trí giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn, tạo sinh  khí mới trong xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay./.
                                                                                                                                Hồ Văn Diệp
                                                                                                                      Trưởng phòng GD&ĐT huyện
 

Các tin khác