Giới thiệu   |   Liên hệ 

Gặp nhân vật trong bài hát "Ơi con suối La La"

20/01/2014
           “…Ơi dòng suối La La!; Ơi dòng suối La La!; Nước trong xanh hiền hòa; Chảy quanh đồi Không Tên; Nay đồi đã mang tên; “Tiểu đội Bùi Ngọc Đủ”; Mười dũng sĩ diệt Mỹ; Ai qua suối La La…”. Những ai đã từng nghe giai điệu hào hùng, rừng rực khí thế cách mạng của ca khúc “Ơi con suối La La” do nhạc sĩ Huy Thục sáng tác khó có thể tưởng tượng được nhân vật trong bài hát này hiện vẫn đang còn sống khỏe mạnh và vẫn đang ngày ngày cống hiến cho xã hội. Ông chính là Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ (72 tuổi, trú tại thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang).



         Trong suốt mấy chục năm kháng chiến, vị anh hùng này đã tham gia trên 300 trận đánh lớn nhỏ, từ chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa cho đến mặt trận Tây Nguyên ác liệt, vinh dự đứng trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên, chiến công vang dội nhất đưa tên tuổi ông vào thi ca, trở thành huyền thoại chính là trận đánh vào ngày 28-2-1967 tại đồi Không Tên (dưới chân núi Cù Đinh thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị-nơi có dòng suối La La chảy vào sông Cam Lộ).
          Ngày ấy, tiểu đội 10 người của ông nhận nhiệm vụ bảo vệ kho chứa đạn dược H6 và H12, đây là số quân khí ta chuẩn bị để tiến đánh vào căn cứ trên điểm cao 241, Quán Ngang và bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Đông Hà (Quảng Trị). Xác định đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, Tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ và 9 thuộc cấp đều ngày đêm tuần tiễu, không giây phút lơ là.
          Khoảng 7 giờ ngày 28-2-1967, 200 lính thủy đánh bộ Mỹ với vũ khí được trang bị đến tận răng đã bất ngờ tiến lên khu vực đồi Không Tên. So sánh tình hình thì thấy, lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch quá lớn song ý thức được H6 và H12 có ý nghĩa quan trọng cho các trận đánh sau này, Tiểu đội trưởng Bùi Ngọc Đủ đã bình tĩnh, nhanh chóng chỉ đạo thuộc cấp triển khai đội hình, chiến thuật phản kích. Các chiến sĩ đã tận dụng những ụ đất, đá để ẩn nấp, chờ khi địch tiến đến gần mới nổ súng. Dù những loạt đạn của quân thù tuôn như mưa về phía ta song các chiến sĩ vẫn bình tĩnh chờ thời cơ.
          Khi địch đã lọt vào tầm ngắm, ta bắt đầu xuất kích, từng tốp lính Mỹ ngã gục. Liên tục nhiều đợt tấn công của lính Mỹ đều bị tiểu đội bẻ gãy khiến chúng điên cuồng tiến lên đồng thời đưa máy bay ném bom và pháo binh vào cuộc. Trong khoảng thời gian vài giờ đồng hồ, 10 đợt tấn công, 6 chiếc máy bay quần thảo dội mưa bom của địch vẫn không làm những người lính kiên cường e sợ mà ngược lại đều bị họ bẻ gãy. Dù trong các đợt tấn công này, bên ta có 2 chiến sĩ thương vong song tư thế vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu.
           Sau đó, địch mở thêm 5 đợt tấn công nữa, đến khoảng 17 giờ cùng ngày, khi tên chỉ huy của địch bị tiêu diệt thì địch như rắn mất đầu, đã rút lui với đội hình chỉ còn vài chục tên què quặt, mặt mày xanh lét, mệt mỏi vì hoảng loạn. Sau này, để ghi khắc công lao, đồng đội đã gọi đồi Không Tên là đồi Bùi Ngọc Đủ, tiểu đội đánh trận này cũng được mang tên ông. “Cả ngày nhịn đói, chịu khát quần nhau với địch cho đến khi chúng rút lui thì bên ta chỉ còn lại 3 chiến sĩ, trong đó 2 người bị thương. Lúc ấy, hễ thấy đồng đội mình ngã xuống thì những người còn sống càng sôi sục khí thế nên chẳng còn biết sợ hãi, ý chí chiến đấu càng cao. Trong tâm tưởng ai cũng quyết tâm, còn hơi thở cuối cùng cũng tiêu diệt giặc, coi việc hy sinh cho Tổ quốc là niềm vinh dự của người lính”-ông hồi tưởng lại.
           Chiến tích “1 chọi 20” này đã góp phần quan trọng để Trung đoàn 84 của Bùi Ngọc Đủ tạo nên những chiến thắng vẻ vang khác, trong trận đánh ở đồi Không Tên, riêng người chiến sĩ kiên trung này đã tiêu diệt 31 tên địch. Nhạc sĩ Huy Thục sau khi được nghe về chiến công hiển hách này đã xúc động sáng tác bài hát “Ơi con suối La La” để ca ngợi các vị anh hùng đã xả thân bảo vệ Tổ quốc đồng thời cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trên khắp các mặt trận.
           Mãi mãi xứng danh anh hùng
         Liên tục lập chiến công trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, Bùi Ngọc Đủ sau đó được ra miền Bắc, được vinh dự được gặp Bác Hồ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp… Đến năm 1970, Bùi Ngọc Đủ được điều vào chiến trường Tây Nguyên. Ngày 24-2-1972, ông chỉ huy Tiểu đoàn Pháo binh II đánh vào mặt trận Đak Tô-Tân Cảnh. Ngày 20-4-1975, ông cùng Sư đoàn 324 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đánh vào Bình Phước, Củ Chi, ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ những người chiến thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
          Sau đó, Thiếu tá Bùi Ngọc Đủ được điều về làm Phó ban Tổ chức Huyện ủy Mang Yang. Ở đây, trên nhiều cương vị khác nhau, ông đã chỉ huy 17 trận đánh FULRO. Năm 1995, đến tuổi nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, sau đó là Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Mang Yang. Về với cuộc sống đời thường, thấy bà con dân tộc thiểu số hay bị đói mỗi khi đến kỳ giáp hạt, Bùi Ngọc Đủ và đồng chí của mình đã lập “kho thóc cựu chiến binh”.
         Theo đó, cuối mùa thu hoạch, mỗi cựu chiến binh đóng góp 20 cân lúa vào kho, cả huyện lúc ấy có 37 kho thóc, có thời điểm lượng lúa thu được lên đến gần 1.000 tấn, đã phần nào giúp bà con qua cơn đói mỗi khi mùa giáp hạt đến. Không chỉ vậy, ông Đủ còn có công lớn đối với nền giáo dục của huyện Mang Yang khi vận động tạo ra quỹ để giúp đỡ học sinh học giỏi, con em đồng bào dân tộc thiểu số, giáo viên khó khăn trên địa bàn. “Dù tuổi có cao song cái chất lính trong tôi vẫn luôn tràn đầy. Còn làm được điều có ích cho xã hội khiến tôi rất phấn khởi, yêu đời hơn. Tôi vẫn chưa nghỉ ngơi đâu đồng chí à”-người cựu chiến binh kiên trung chia sẻ.
                                                                                                        Theo Ngọc Linh Sưu tầm Lê Trọng
 

Các tin khác