Giới thiệu   |   Liên hệ 

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mang Yang thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trong 05 năm 2009-2014

12/05/2014
Mang Yang là huyện được thành lập theo Nghị định số: 37/2000/NĐ-CP ngày 21/8/2000 của Chính phủ. Huyện có 12 xã, thị trấn với 106 thôn, làng, tổ dân phố; tổng diện tích tự nhiên là 1.127 km2, dân số hơn 55.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 62%, chủ yếu là người đồng bào Bahnar, ngoài ra còn có một số các dân tộc thiểu số khác như Jrai, Êđê, Tày, Nùng…

Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư xây dựng của các cấp, các ngành trên tất cả các lĩnh vực; nhất là về Chương trình định canh, định cư, Chương trình 134, Chương trình 135,… Kinh tế - xã hội đồng bào các dân tộc phát triển khá rõ nét; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt và an ninh chính trị được giữ vững.

Tuy nhiên, so với vốn đầu tư thì hiệu quả mang lại chưa tương xứng, bà con sống ở vùng sâu, vùng xa kinh tế phát triển còn chậm và thiếu bền vững; thiết chế văn hóa nhiều nơi không được duy tu, bảo dưỡng, xuống cấp nhanh; trình độ dân trí thấp; đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn yếu; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; mức hưởng thụ về đời sống vật chất và tinh thần chưa cao…

Đặc biệt, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, cùng với sự phát triển kinh tế và quá trình hội nhập đã kéo theo sự phá vỡ tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào, tạo nên một nền văn hóa mới pha trộn gồm văn hóa truyền thống của đồng bào kết hợp với văn hóa của các dân tộc ở miền xuôi và văn hóa các tôn giáo khác truyền vào trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng của Tà đạo Hà Mòn, Tin Lành Đê Ga đã khiến một số lễ hội truyền thống mang tính cộng đồng ít được quan tâm: Kiến trúc nhà sàn bị mai một, thay vào đó là kiến trúc nhà xây của người Kinh: Trang phục truyền thống bị lai căng, nhiều lễ hội không còn mặc trang phục truyền thống: Một số thanh thiếu niên do ảnh hưởng của môi trường sống đã không tích cực tham gia học tập lao động sản xuất mà học đòi ăn chơi, gây rối, đua xe, trộm cắp, tiếp tay cho lâm tặc… Một số tệ nạn mê tín vẫn còn tồn tại trong đồng bào, nhất là việc tin vào thuốc thư, ma quỷ, bói toán, yểm bùa: Nạn tảo hôn vẫn còn đậm đối với các làng vùng sâu, vùng xa: Việc quan tâm đến sức khỏe thể hiện trong việc ăn uống, phòng và điều trị bệnh chưa được người dân quan tâm đúng mức: Tập quán du canh, du cư và phá rừng làm nương rẫy tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn tồn tại trong tâm lý của nhiều người.

Vì thế, việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là rất cấp thiết, có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó sẽ tạo cho kinh tế phát triển mạnh mẽ và vững chắc, nhất là trong thời kỳ đất nước mở cửa và hội nhập.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã khẳng định: “Phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế và xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị”.

Quán triệt tinh thần đó, thời gian qua Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu cho Huyện ủy và UBND huyện thực hiện tốt công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong huyện như phát triển Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức nhiều các chương trình, Hội thi, Liên hoan như Hội thi văn hóa – thể thao các dân tộc thiểu số, Liên hoan cồng chiêng, Liên hoan Văn hóa dân gian…; sửa chữa và phục dựng một số nhà rông truyền thống tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số…
 Đoàn nghệ nhân huyện Mang Yang tham gia Liên hoan cồng chiêng
các huyện phía đông tỉnh Gia Lai năm 2012

Từ đó công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nhất định; Hội thi văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số được duy trì tổ chức 03 năm 01 lần, với các hoạt động văn hóa - thể thao phong phú, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như biểu diễn nhạc cụ truyền thống, thi dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, thi hát dân ca, biểu diễn cồng chiêng. Thông qua các Hội thi, Liên hoan ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào ngày càng được phát huy.

Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được giữ gìn và phát triển. Chữ viết của người dân tộc Bahnar đã được nghiên cứu, biên soạn giáo trình và đưa vào giảng dạy tại huyện và các xã, thị trấn. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã thành lập đoàn kiểm kê các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, từ đó lập đề án bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vô cùng quý giá như cồng chiêng, sử thi và các lễ hội truyền thống.

Công tác quy hoạch và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư. Đến nay huyện Mang Yang đã có 01 nhà văn hóa huyện, 01 nhà văn hóa xã, có 71/106 làng có nhà rông, nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng; Chương trình mục tiêu về văn hóa đã hỗ trợ 10/12 xã, thị trấn trang thiết bị âm thanh ánh sáng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho nhân dân tự giác tham gia tích cực vào việc xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng, tổ dân phố văn hóa. Cuối năm 2013, đã có hơn 1/2 số thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Phong trào đã thực sự đi sâu vào đời sống của người dân.

Những năm qua, đã có một số danh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh quan tâm đến việc khai thác giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ khách du lịch trên địa bàn huyện tại làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng.
Hoạt động thể dục - thể thao trong những năm qua đã duy trì ổn định và từng bước phát triển; các môn thể thao truyền thống như bắn nỏ, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo được khôi phục và phát triển đã đưa vào trong các Hội thi văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh.

Chúng ta biết rằng, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất phong phú, độc đáo, đa dạng, đã làm nên bản sắc văn hóa dân tộc, tồn tại trong dân gian dưới dạng vật thể và phi vật thể, rất dễ mất. Hiện nay chưa được điều tra, thống kê, sưu tầm, nghiên cứu, giới thiệu đầy đủ, đã và đang có nguy cơ cao bị phai nhạt, mất mát.

Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số; được biết Huyện Mang Yang trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ như:

 Tiếp tục điều tra, thống kê, phân loại các vốn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

 Phục dựng lại một số lễ hội truyền thống đặc sắc của các dân tộc, giữ gìn những phong tục tập quán tốt đẹp.

 Đầu tư, xây dựng nhà truyền thống của huyện để lựa chọn, trưng bày những di sản tiêu biểu, có giá trị về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử trên đại bàn huyện.

 Tạo điều kiện cho ngành Văn hóa Thông tin huyện tổ chức các Hội thi Văn hóa – Thể thao các Dân tộc thiểu số, Liên hoan Văn hóa dân gian để qua đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào DTTS.

 Bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm, biểu diễn cồng chiêng; có kế hoạch trùng tu, bảo vệ nhà rông, nhà mồ, giọt nước tại làng Đê Ktu, thị trấn Kon Dơng để thu hút khách du lịch.

 Tiếp tục xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ ở vùng dân tộc thiểu số trên cơ sở đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.

 Tiếp tục đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội (cũ và mới) ở vùng dân tộc thiểu số.

Làm được những điều trên đây, trong một tương lai không xa, Mang Yang sẽ trở thành huyện giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế - xã hội.
                                                                                                                          Nguyễn Vững

Các tin khác