Giới thiệu   |   Liên hệ 

Những chuyển biến tích cực trong công tác duy trì sĩ số học sinh ở trường THCS ĐăkJơ Ta

15/11/2017
 Trường THCS ĐăkJơ Ta là một trong số các trường học nằm ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, nhiều năm qua trường có số học sinh bỏ học cao nhất huyện. Trong năm học 2017 -2018, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương, cùng sự vào cuộc của  hệ thống chính trị xã Đak Jơ Ta, Hội đồng Sư phạm nhà trường, công tác duy trì sĩ số học sinh ở trường THCS ĐăkJơ Ta đã có những chuyển biến tích cực.

Nếu như các năm học trước, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của trường THCS ĐăkJơ Ta chỉ đạt 68-69%, có thời điểm chỉ còn 55%, nhưng trong năm học 2017 – 2018 này, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần của trường luôn duy trì từ 75 -80%. Để có được kết quả này, trước khi bước vào năm học, Ban Giám hiệu trường THCS ĐăkJơ Ta đã xác định nhiệm vụ năm học là tăng cường xây dựng nề nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục. Cụ thể làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.

Năm học 2017 – 2018, trường THCS ĐăkJơ Ta có tổng số 205 học sinh, được chia làm 7 lớp ở 4 khối. Trong đó, học sinh  DTTS chiếm trên 80%. Với đặc thù là xã khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 41 %. Bên cạnh đó, ở các làng đồng bào DTTS trên địa bàn xã  một số tập tục lạc hậu từ bao đời nay còn tồn tại, ý thức của người dân về việc học của con cái rất hạn chế, ít được quan tâm. Đặc biệt trong đó có làng Đê BơTưk có tỷ lệ hộ nghèo tới 97%, việc học sinh ở làng bỏ học theo cha mẹ lên nương rẫy, nhất là mỗi khi bước vào mùa vụ sản xuất đã trở thành thói quen trong nhiều năm nay.

 Do đó, để vận động học sinh ra lớp và đảm bảo duy trì sĩ số học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên. Trong đó, phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm. Cô Lại Thị Hường là một trong những giáo viên chủ nhiệm được các em học sinh quý mến, gần gũi, đã có gần 10 năm đồng hành cùng các em học sinh ở vùng đất này như một người mẹ thứ 2. Cô cho biết, đầu mỗi năm học, sau khi phân lớp chủ nhiệm, tất cả các giáo viên phải phân loại học sinh theo từng nhóm đối tượng để có sự quan tâm đúng mức, công bằng. Trong đó, phải đặc biệt quan tâm đến những em có hoàn cảnh kém may mắn như mồ côi, tàn tật. Cô Lại Thị Hường – GVCN lớp 8A, trường THCS ĐăkJơ Ta huyện Mang Yang chia sẻ:Giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng trong vấn đề duy trì sĩ số học sinh,  mình phải nắm bắt được những tâm tư, nguyện vọng, từng hoàn cảnh gia đình của các em để kịp thời giúp đỡ về mặt tinh thần, vật chất để các em đi học tích cực và chuyên cần, các em tin tưởng vào giáo viên chủ nhiệm như một người cha, người mẹ của các em trong một gia đình”.
 
Chính từ sự quan tâm, gần gũi của thầy, cô giáo là niềm an ủi lớn, giúp các em học sinh, nhất là các em học sinh  DTTS có động lực đến trường để học tập, nuôi dưỡng ước mơ của mình. Em Đuer – Một học sinh ở làng Đê Bơ Tưk, có thành tích học tập khá trong nhiều năm liền tâm sự:Hồi trước em đi học có một mình. Từ ngày được thầy cô tuyên truyền, vận động,  các bạn ở làng đi học nhiều hơn. Có các bạn đi học cùng em vui lắm. Em cố gắng học tốt, để sau này trở thành cô giáo”.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở  địa phương. Ngay từ đâù năm học 2017 -2018, Ban Giám hiệu nhà trường đã tham mưu cho Đảng ủy xã ĐăkJơTa thành lập tổ vận động học sinh ra lớp, với trên 60 thành viên gồm có 17 cán bộ, giáo viên của nhà trường và 46 cán bộ, đảng viên và thành viên các tổ chức đoàn thể xã. Tổ vận động được chia thành các nhóm nhỏ  từ 4-5 người, trực tiếp đến từng gia đình, gặp gỡ từng học sinh để vận động các em ra lớp. Hàng  tuần, các nhóm tổ chức đi vận động 3 ngày vào thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Kết quả vận động sẽ được báo cáo về Đảng ủy xã ngay sau khi buổi vận động kết thúc. Bằng cách làm này, công tác vận động học sinh ra lớp và đảm bảo duy trì sĩ số học sinh ở trường THCS ĐakJơTa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đầu năm học, trường có 45 học sinh chưa ra lớp, sau khi tổ chức tuyên truyền, vận động hầu hết các em đã ra lớp học. Thầy Nguyễn Văn Thuật – Hiệu trưởng trường THCS ĐăkJơ Ta cho biết “Những năm qua tình trạng học sinh bỏ học rất nhiều,chính vì vậy đây là vấn đề nhức nhối của nhà trường. Như vậy, ngay từ đầu năm học nhà trường đề ra biện pháp tiến hành làm sao để huy động tất cả các em học sinh đến trường. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm học nhà trường đã tham mưu với Đảng ủy xã đã thành lập tổ vận động học sinh ra lớp. Tổ này thì có chính quyền địa phương và cùng với nhà trường, hội cha mẹ học sinh thành lập các tổ nhỏ để vận động các em học sinh trong độ tuổi các em chưa ra lớp. Như vậy, qua các tổ vận động này tôi thấy các em đi học rất chuyên cần, tỷ lệ học sinh đi học của nhà trường hiện nay đạt 75-80%  buổi học chuyên cần”.
 
Xác định nhiệm vụ duy trì sĩ số học sinh luôn đi liền nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, do đó tập thể sư phạm nhà trường luôn nỗ lực hết mình để các em thấy được tấm lòng của thầy cô mà cố gắng đến trường, cố gắng học tập. Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Giám hiệu nhà trường luôn làm tốt công tác phối hợp, kết nghĩa với các trường vùng thuận lợi để học sinh nhận được sự hỗ trợ tối đa. Ngoài ra, công tác kêu gọi các Mạnh Thường Quân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các thầy-cô giáo tăng cường kết nối. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thuật cho biết thêm:“Tỷ lệ hộ nghèo của địa phương tương đối cao, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bỏ học. Nhiều em học sinh ở làng Đê BơTứk ra trường học rất xa, phương tiện đi lại không có. Nhà trường tham mưu cho lãnh đạo Phòng giáo dục đã hỗ trợ cho các em 43 chiếc xe đạp, hiện nay các em đến trường rất chuyên cần. Trong năm học tới, nhà trường mong muốn các nhà hảo tâm quan tâm tạo điều kiện hơn nữa đối với học sinh trên địa bàn xã Đăk jơta mong các em làm sao học để biết: thứ nhất làm người, thứ 2 giúp gia đình biết phát triển kinh tế”.

Đến Trường THCS ĐăkJơTa hôm nay, 4 khối lớp học thường xuyên kín chỗ ngồi là một minh chứng rõ ràng về công tác duy trì sĩ số học sinh đang được đội ngũ cán bộ, giáo viên quan tâm sâu sát. Từ đó, chất lượng giáo dục cũng đang từng bước được nâng lên, đây chính là một món quà ý nghĩa mà các em học sinh ở vùng đất khó dành tặng các thầy, cô giáo -  những người đang miệt mài và luôn tận tâm với sự nghiệp “trồng người”trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2017./.
 
                                                                                               Thanh Xuyên & Ngọc Kim - ĐTTTH
 
 

Các tin khác