Giới thiệu   |   Liên hệ 

Cần tăng cường công tác bảo tồn văn hóa bản địa

29/10/2012
      Văn hóa Việt nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng 54 dân tộc anh em sáng tạo ra trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó là thành quả đúc rút trong quá trình lao động, sản xuất và giao lưu, tiếp thu tinh hoa của nền năn hóa văn minh trên thế giới.

      Trong giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt nam nói chung, văn hóa của dân tộc Bah Nar vừa mang tính tâm linh, vừa là không gian văn hóa có tính nghệ thuật độc đáo về cấu trúc, âm sắc phong phú về loại hình diễn xướng. Như lễ hội dân gian truyền thống của cộng đồng, họ tộc. Văn hóa phi vật thể là phương tiện để dân tộc Bahnar giao lưu, truyền bá những tình cảm chân thật của các bộ tộc với nhau, giúp mọi người đoàn kết, gắn bó với nhau hơn…Các loại hình văn hóa độc đáo của người dân tộc Bah Nar thường được sử dụng như:  Văn hóa nhà rông, ẩm thực, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc, hơri, homon…Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng Tây nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa truyền khẩu, phi vật thể của nhân loại.
 

 
      Nghị quyết TW5 khóa VIII của Ban chấp hành Trung ương Đảng “về xây dựng Nền văn hóa Việt nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” đã chỉ rõ: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, văn hóa là mặt trận tư tưởng trong xây dựng và phát triển sự nghiệp các mạng của Đảng. Với những quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, trong giai đoạn hiện nay công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của các dân tộc đã và đang được các cấp lãnh đạo quan tâm, coi trọng nhằm tiếp tục mở rộng mối quan hệ, tiếp xúc với những thành tựu văn hóa nhân loại. Đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc Việt nam. Trong nền văn hóa phong phú, đa dạng  của cộng đồng các dân tộc đó, chúng ta thật tự hào có sắc thái văn hóa đặc trưng mang tính giá trị truyền thống của dân tộc Bah Nar; một tộc người bản địa, cư trú lâu đời nhất và chiếm tỉ lệ trên 60% dân số tại địa bàn huyện nhà.
       Sau 12 năm tái thành lập huyện Mang Yang, cùng với công tác phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng; sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa – xã hội được Đảng bộ và chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Các thiết chế văn hóa, trang thiết bị hoạt động cho ngành Văn hóa & Thông tin được tăng cường đã đáp ứng được một phần trong công tác tuyên truyền, đưa văn hóa về cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
      Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện ta một số nhà rông tại các thôn, làng đã bị hư hỏng, hoặc xuống cấp nghiêm trọng chưa được sửa chữa. Tình trạng nhạc rốc, híp hóp đang dần lấn át những lời ca tiếng hát truyền thống của dân tộc ta, nạn mua bán cồng chiêng vẫn còn xẩy ra đã làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa tinh thần quý báu được lưu giữ từ xưa đến nay của nhân dân  ta.
      Thiết nghĩ, các cấp lãnh đạo, nhất là chính quyền ở cơ sở cần tăng cường tu sửa, xây dựng các thiết chế văn hóa và đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động văn hóa. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu để lưu truyền cho thế hệ mai sau, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo tinh thần Nghị quyết của TW Đảng đề ra./.
                                                                                                                                                Phi Cường

Các tin khác