Giới thiệu   |   Liên hệ 

“Một số nhận thức về vấn đề “Thuốc thư” ở huyện Mang Yang và giải pháp khắc phục”

07/11/2012
      Mang Yang nằm ở phía đông của tỉnh Gia Lai gồm 11 xã và 1 thị trấn, có 60% là người dân tộc thiểu số chủ yếu là dân tộc Bahnar, trình độ dân trí thấp còn nhiều hủ tục lạc hậu, nhất là những năm gần đây vấn đề “Thuốc thư” là vấn đề nóng trên địa bàn huyện.

      Qua tìm hiểu chỉ tính từ năm 2007 đến nay, trên địa bàn huyện Mang Yang đã có trên 10 vụ án đau lòng xảy ra từ hủ tục “Thuốc thư” ở làng Đăk Yă xã Đăk Yă, làng T’Rá xã Lơ Pang, làng Jơ Long xã Hà Ra. Thuốc thư là gì, ngay cả những người nghi ngờ và những người bị nghi ngờ đều không ai biết. Không có cơ sở khoa học để chứng minh nhưng vì sự thiếu hiểu biết, nhận thức lạc hậu của một bộ phận người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên nói chung, Mang Yang nói riêng, dẫn đến nghi ngờ, thêu dệt, làm điều sai trái và vi phạm pháp luật. Đây là một hủ tục lạc hậu hết sức nguy hiểm, rất dễ bị bọn phản động lợi dụng, kích động bà con gây rối trật tự an toàn xã hội, vi phạm pháp luật.
      Như câu chuyện ở làng Đăk Yă – xã Đăk Yă năm 2007: Duân và Kel trú ở làng Đăk Yă xã Đăk Yă, huyện Mang Yang  thường ngày có hành vi trộm cắp vặt, gây gổ với một số thanh niên trong làng. Mọi người thường đến khuyên can thì cả hai đều cho rằng: “Tao đi ăn cắp của làng khác, chúng mày xen vào làm gì. Từ nay, đứa nào cản chuyện của tao, chúng tao sẽ thư chết”. Ai ngờ, câu nói trong khi ngà ngà say của Duân và Kel như đổ thêm dầu vào những thanh niên trong làng vốn trước đây đã nghi ngờ Duân và Kel có “Thuốc thư”.
      Trớ trêu thay, sau đó một tuần thì ở làng Đăk Yă có bà H’Blin lăn ra ốm và chết. Quá bức xúc, hàng chục người dân trong làng đã kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang nhà cửa, tài sản. Vài giờ sau, Duân đi uống rượu về thấy nhà mình bị đập phá nên đến nhà rông chửi bới, đe dọa những thanh niên đang ngủ ở đây.
      Thấy Duân cầm dao rựa rất hung hăng nên hàng chục thanh niên đã bao vây, đánh Duân cho đến chết rồi kéo xác vứt ở khu nhà mồ của làng. Không dừng lại ở đó, sáng sớm hôm sau, nhiều thanh niên trong làng lại tiếp tục kéo nhau đến đập phá nhà cửa, tài sản của gia đình Kel. Sau đó cả nhóm thanh niên dùng bụi than, bôi vào mặt với mục đích giả những người bị thư chết về trả thù rồi kéo lên khu rẩy Đăk Ram đánh chết Kel cùng cha ruột Hnhêu (76 tuổi) khi họ đang làm rẩy.
      Từ sự việc trên chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương đều khẳng định rằng không hề có “thuốc thư” như lời đồn đại. Thế nhưng, không hiểu sao nó vẫn tồn tại và đeo bám dai dẳng trong đời sống của người dân địa phương.
       Hiện nay, với bà con ở Mang Yang, “thuốc thư” vẫn là một hủ tục gây nhiều nỗi đau cho cộng đồng. Rất nhiều người đã bị chính bà con, họ hàng mình giết chết chỉ vì “lỡ miệng”. Do nhận thức còn nhiều hạn chế mà hủ tục này vẫn “sống” trong cộng đồng người dân nơi đây.
        Để loại bỏ hủ tục này theo nhận thức suy nghĩ của bản thân, xin nêu ra một vài giải pháp như sau:
  1. Cấp ủy đảng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng đặc biệt đối với những người già.
  2. Các tổ chức Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương phải vào cuộc quyết liệt.
  3. Tăng cường công tác giáo dục pháp luật.
  4. Huy động già làng có uy tín tham gia công tác tuyên truyền.
     5. Người bị nghi ngờ có “Thuốc thư” phải nói lên tiếng nói của mình thực tế không có “Thuốc thư” qua thông tin đại chúng hoặc trong buổi tuyên truyền trong cộng đồng, có như vậy người làm tuyên truyền mới có tính thuyết phục cao.
      Tóm lại: Để loại bỏ hủ tục này không một sớm, một chiều đã mang lại hiệu quả ngay mà phải có thời gian, phải có minh chứng. Công việc này không của riêng ai, riêng tổ chức nào, mà cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó lực lượng công an là nòng cốt để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết, vận động, giải thích cho đồng bào hiểu được không có loại “Thuốc thư” nào. Nếu có đó chỉ là một loại độc dược do người sử dụng không biết hoặc sự trùng khớp ngẫu nhiên của người đã mắc căn bệnh hiểm nghèo. Người mắc bệnh phải đến bệnh viện để khám và điều trị. Việc làm trên phải được tuyên truyền thường xuyên liên tục mới mang lại hiệu quả thiết thực./.

                                                                                                                                  Đỗ Thị Minh Nhật
                                                                                                                          Ban Tuyên giáo xã Đăk Yă

Các tin khác