Giới thiệu   |   Liên hệ 

THUỐC THƯ - MỘT TRONG NHỮNG TẬP TỤC LẠC HẬU CỦA NGƯỜI BAHNAR

03/06/2014
Người Bahnar có một tập tục vô cùng lạc hậu mà từ xưa cho tới ngày nay vẫn chưa xóa bỏ được. Họ tin trong thế giới trần gian vẫn còn những điều bí ẩn mà được thần linh (Yang) ban cho một vài người có phép lạ, có một loại cây thuốc để yểm bùa (Thư) làm cho người, gia súc bị bệnh mà chết hay chết đột tử...

Thường là: Mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn gia đình với gia đình, dòng họ với dòng họ, mâu thuẫn cộng đồng làng này với cộng đồng đồng làng khác..., cũng có khi trong làng có tổ chức uống rượu tập trung mừng một sự kiện nào đó hay một nhóm người thường tụ tập uống rượu với nhau ở quán hoặc một tụ điểm nào đó... Lúc men say đã thấm, lời qua tiếng lại, cãi cọ, khoe khoang, khoác lác với nhau rằng: Tao có thuốc thư, tao sẽ thư cho mày chết... Chỉ một vài câu nói bâng quơ cho vui miệng, sướng cái lỗ tai trong lúc men say hay bằng những cử chỉ như: Vỗ vai, uống chung cần rượu hay lời thề độc... Khi về nhà, ngay lập tức hoặc vài ngày sau vô tình bị đau đầu, đau bụng, sốt..., ốm nằm liệt giường hoặc chết đột tử...
 
Từ những lời qua tiếng lại, cãi cọ, khoe khoang, khoác lác với nhau qua buổi tiệc rượu hôm trước hoặc những lời thề độc, trù ẻo... Khiến cho gia đình, dòng họ của người bị bệnh nghi ngờ hoặc khẳng định cho người kia có thuốc thư, đã thư làm cho người nhà mình bị ốm hay bệnh mà chết. Vậy là tin đồn vang xa, làm cho nhiều người trong làng tin theo là người kia có thuốc thư, đã thư người trong làng, làm cho người trong cộng đồng làng, xã càng thêm hoang mang, lo sợ tin là thuốc thư có thật.
Pơyâu Hnheo
Trong làng, xã có một vài người chuyên hành nghề thầy mo (Pơ yâu) tự nhận là mình được thần (Yang) ban cho phép thuật, vì vậy những người này biết cúng Yang, làm phép để lấy các thứ đã thư trong người bị thư ra. Ai được Pơyâu cúng Yang, làm phép thì chắc chắn sẽ khỏi, ai mà không tin, cố tình đi bệnh viện chữa trị thì sẽ bị chết... Trong thực tế, cũng có nhiều bệnh nhân bị phát bệnh ung thư giai đoạn cuối, hay bị bênh sơ gan cổ chướng..., các căn bệnh này, gia đình nghèo làm sao có đủ tiền để đi các bệnh viện lớn mà chữa trị. Vì vậy, khi tới bệnh viện gia đình không có đủ tiền để chữa trị, lúc này bệnh viện buộc phải trả bệnh nhân về cho gia đình để lo hậu sự. Nhân cơ hội này, Pơyâu càng được nước làm lớn, họ tuyên truyền do bị thư đường, thư muối, thư dầu..., nên thuốc thư đã ngấm vào nội tạng của bệnh nhân, vì vậy bệnh viện bó tay không chữa khỏi phải trả về. Từ đây người dân càng tin là Pơyâu nói đúng, họ tin rằng thuốc thư là có thật.
Để cho người bệnh mau khỏi. Lúc này gia đình, dòng họ tin vào thầy mo, cho người đi mời thầy mo về chữa bệnh mà không mang bệnh nhân đi bệnh viện. Họ hy vọng rằng thầy mo sẽ chữa cho người nhà mình mau lành bệnh, thoát khỏi tử thần.
Để lừa bịp người dân, Pơyâu dùng nhiều hình thức ảo thuật kết hợp với cúng Yang  bằng rượu ghè, thịt, gan, tiết gà... Và sau đó làm ảo thuật, lấy từ trong người bệnh nhân ra những mảnh chai, cộng chiếu, viên sỏi, hạt muối…(tất cả những gì mà thầy mo có thể ảo thuật được đều nói là do lấy được từ trong người của bệnh nhân ra). Kết thúc lấy thuốc thư, thầy mo cho bệnh nhân uống một thứ nước đã được chuấn bị sẵn (đó là nước thần, thứ nước này chẳng qua là một loại thuốc giảm đau, hạ sốt...Được Pơyâu chế biến từ cây thuốc dân gian lấy từ rừng về mà thôi). Nếu bệnh nhân đau nhẹ như đau đầu do cảm nắng, cảm lạnh, sốt rét, sình bụng... Khi người bệnh uống thứ nước thần ấy mà khỏi thì thầy mo được coi như là “Thánh sống”, được gia đình, dòng họ bệnh nhân sùng ái, thưởng nhiều của cải, tiền bạc... Nếu bệnh nhân quá nặng như sơ gan, ung thư, đau ruột thừa..., không may bị chết đi thì thầy mo cho là bệnh nhân bị thư muối, thư đường, thư dầu (các thứ có thể tan ra mà không lấy được)...Và đã bị muối, đường, dầu tan ra ngấm vào nội tạng của bệnh nhân không lấy ra được vì vậy bệnh nhân phải chết...
Tai họa khủng khiếp ấy sẽ ập đến với người bị nghi là có thuốc thư. Một thảm họa ngàn cân treo sợi tóc xuất phát từ cái trò ảo thuật ma quỷ này. Một trò ảo thuật đã khiến cho nhiều người dân trong cộng đồng dân cư tin là người bệnh đã bị người kia thư là có thật. Tình ngay, lý gian, một thảm cảnh oan sai đã khiến cho người kia bị vu oan là mình có thuốc thư và đã thư cho người bạn rượu của mình từ hôm trước. Cũng từ đây, việc nghi ngờ cho người khác có thuốc thư làm cho người nhà mình bị bệnh, ốm liệt gường hay bị thư chết người nhà mình đã được ấn định. Oan sai không biết kêu ai, có người phải lấy cái chết để chứng mình cho sự trong sạch của minh. Nhiều người phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của minh đi tha phương cầu thực nơi đất khách quê người nhằm trốn chạy khỏi thảm họa mà cái gọi là “thuốc thư” gây ra.
Để kết thúc vụ việc này, Hội đồng già làng họp bàn và phán quyết:
Nếu người bệnh bị đau nặng, nằm liệt giường mà được thầy mo cứu sống thì phạt người nghi có thuốc thư ít nhất là một con trâu hay con bò, đám ruộng, tiền mặt... Tùy theo mức độ ốm nặng hay nhẹ, kèm theo bao gồm heo, gà, rượu..., để cúng Yang cho người bị bệnh và trả công cho Pơyâu và những người tham gia xét xử.
Nếu người bệnh không may bị chết đột tử hay thầy mo phán là bị thư đường, thư muối, đường và muối tan ra ngấm vào nội tạng của bệnh nhân không lấy ra được dẫn đến tử vong... Thì Hội đồng già làng phạt người được nghi là có thuốc thư ít nhất là một con trâu hay con bò, tiền mặt..., để làm ma cho người đã chết. Kèm theo bao gồm heo, gà, rượu để bồi dưỡng cho những người tham gia xét xử (hình thức phạt vạ nhiều hay ít còn tùy thuộc vào kinh tế của người bị nghi là có thuốc thư. Có khi phạt vạ tới 5 đến 10 con trâu, bò và 5 đến 10 đám ruộng...).
(Bà Pok làng Đak Yă, vợ,mẹ của 3 nạn nhân được nghi là
có thuốc thư đang trong cơn hãi hùng khi chồng, con mình bị giết)
 
Sau khi xét xử và phạt vạ xong, người nào có tính ngoan cố vẫn tự cao, tự đại cho là mình đã thư chết người kia thật, Hội đồng già làng bàn bạc và quyết định đuổi người bị nghi là có thuốc thư ra khỏi làng, không cho về làng. Có trường hợp bị thủ tiêu hay đánh chết... Còn Pơyâu thì thoải mái dùng bàn tay ảo thuật để kiếm tiền, khiến cho nhiều gia đình bị bại sản; an ninh chính trị bất ổn; cộng đồng làng xã bị đảo lộn, cha lìa con, vợ lìa chồng, gia đình ly tán...
Sự ám ảnh sau vụ đánh chết 3 nạn nhân tại làng Đak Yă
 
Đây là một tập tục lạc hậu đã đeo đuổi người dân Bahnar trong cộng đồng làng xã biết bao nhiêu đời nay mà chưa thoát ra được. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân hiểu được nguyên nhân, bệnh tình động viên kịp thời cho gia đình bệnh nhân đưa bệnh nhân đi khám bệnh và điều trị tại các Trung tâm y tế xã, huyện, tỉnh. Đồng thời vạch trần âm mưu lừa bịp của một số người chuyên hành nghề Pơyâu. Tiếp cận với Hội đồng già làng truyên truyền, nhắc nhở họ khi xét xử, hòa giải phải thật sáng suốt, không nhẹ dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu mà phán quyết vội vàng. Khi xét xử nhất thiết phải có sự chứng kiến của chính quyền địa phương để tránh xét xử oan sai cho mọi người. Xây dựng hương ước thôn, làng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, không nên phạt vạ để tránh tình trạng bất ổn về kinh tế của các gia đình; ảnh hưởng đến nền kinh tế, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư./.
(Bài viết có sử dụng một vài hình ảnh của đồng nghiệp để minh họa)
                                                                                                                                   LÊ HỮU PHONG
 

Các tin khác