Giới thiệu   |   Liên hệ 
Giới thiệu
gt.jpg
         Mang Yang là huyện nằm phía Đông thuộc tỉnh Gia Lai, được thành lập theo Nghị định số: 37/2000/NĐ-CP ngày 21/8/2000 của Chính phủ. Cách thành phố Pleiku khoảng 35km. Huyện Mang Yang có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, đồng thời là tiền đề thuận lợi cho việc giao thương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Với diện tích tự nhiên là 112.676,58ha, dân số ước khoảng 68.519 người. 
         Mang Yang trong tiếng Gia Rai nghĩa là cổng trời. Tên huyện được đặt theo tên một con đèo nổi tiếng, đèo Mang Yang, trên quốc lộ 19 thuộc địa phận của huyện.
 
         Huyện Mang Yang có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, đồng thời là tiền đề thuận lợi cho việc giao thương phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Toàn huyện có trên 13 dân tộc anh em sinh sống, chiếm 61% dân số toàn huyện, trong đó chủ yếu là dân tộc Bana.  Huyện bao gồm 12 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn, có 05/12 xã thuộc xã điều kiện kinh tế - xã hội vào diện đặc biệt khó khăn.
         Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, huyện Mang Yang triển khai nhiều chính sách kích cầu, đầu tư phát triển mọi mặt, ưu tiên phát triển kinh tế, thu hút nhiều dự án đầu tư về với Mang Yang. Trong đó, huyện tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, các xã, thị trấn đã chỉ đạo nông dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Kon Chiêng, triển khai mô hình tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước cho cây hồ tiêu và cây cà phê; liên kết sản xuất vùng nguyên liệu cho Công ty Đồng Giao. Về chăn nuôi, các địa phương đã tổ chức chăn nuôi trang trại, gia trại có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi.
         Phát triển dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là bước đột phá trong phát triển kinh tế, Huyện Mang Yang đã huy động các nguồn lực đầu tư, tập trung quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ĐăkDjrăng, hiện có các Công ty như công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao – DOVECO, có diện tích xấp xỉ 6 ha đã  đi vào hoạt động;  công ty Chăn nuôi Gia Lai, Công ty Hà Phương và một số công ty khác đang hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động.
         Nắm chắc nội dung chương trình hành động, cụ thể hóa các nghị quyết sát với tình hình ở từng địa phương, nhờ đó    đến cuối năm 2018, huyện Mang Yang đã có 20/25 chỉ tiêu đạt và vượt cao hơn nhiều so với năm trước. Ấn tượng như: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt trên 11%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 3.153 tỉ đồng,  tăng gần 4%. Toàn huyện gieo trồng gần 13.000 ha cây trồng các loại, vượt 3% kế hoạch; trồng tái canh hơn 171 ha cà phê, vượt 128% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực có hạt hơn 19.000 tấn, vượt 13% kế hoạch; Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng 1.685 tỉ đồng, tăng 17,7%. Giá trị sản xuất thương mại – dịch vụ đạt 1.711 tỉ đồng, tăng 22,4%. 100% hộ gia đình chính sách thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 còn 18,7%. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, làng nông thôn mới đạt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, huyện Mang Yang có 2 xã đạt chuẩn NTM là Đak Yă và Đak Djrăng, có 3 xã đạt 10-14 tiêu chí và 6 xã đạt 5-9 tiêu chí. Có 1 làng NTM kiểu mẫu vùng đồng bào DTTS. Cải cách hành chính tăng 3 bậc.
         Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, chất lượng giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng cao; nhiều chính sách về an sinh xã hội được triển khai kịp thời đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến nay, trên địa bàn huyện có 17 trường học đạt trường chuẩn quốc gia, toàn huyện có có trên 75%  khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 12.224 hộ gia đình văn hóa hóa; 100% các thôn, làng, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng. Hoạt động đầu tư du lịch được chú trọng, năm 2018, huyện Mang Yang đã  triển khai kế hoạch  phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 – 2020,  để  phát triển du lịch cộng đồng tại làng Vai Viêng, xã Ayun; Bên cạnh đó, một số khu, điểm du lịch như Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, làng Đêktu(Kon Dơng) được đưa vào khai thác hoặc được nâng cấp, mở rộng, nên tổng lượt khách đến huyện  tăng cao nhất từ trước đến nay.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đấu tranh giải quyết tà đạo “Hà Mòn” có nhiều chuyển biến tích cực, giảm 14 đối tượng lẩn trốn và đối tượng tin theo tà đạo. Tai nạn giao thông được kéo giảm trên cả 03 chỉ số.
         Mang Yang đặc biệt chú trọng phát huy tiềm năng lợi thế về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là xây dựng các chuỗi liên kết giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất là công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm. Đồng thời phát triển đàn chăn nuôi theo chủ trương của Bộ nông nghiệp cũng như là kế hoạch phát triển chăn nuôi của UBND tỉnh; phát huy Trung tâm dịch vụ nông nghiệp kết nối với các doanh nghiệp, các cơ sở SX – KD thông tin kịp thời giá cả thị trường và vật tư, đầu ra của nông sản, để nông dân bán với giá hợp lý, đem lại lợi nhuận cao nhất cho người nông dân; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung quy hoạch phát triển các loại hình thương mại-dịch vụ; phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường tốt thu hút đầu tư để tăng thu ngân sách; tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động tín dụng, đáp ứng nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ giảm nghèo, chính sách dân tộc trên địa bàn…