Giới thiệu   |   Liên hệ 

Huyện Mang Yang: Tăng cường hỗ trợ kinh tế tập thể và doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh

25/10/2022
Thời gian qua, huyện Huyện Mang Yang đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể phát triển, cũng như  tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân…
PHÁT TRIỂN CÁC LOẠI HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ

Để triển khai thực hiện mô hình Nông hội theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ  và  Hướng dẫn của Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Huyện uỷ Mang Yang ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về phát triển Hợp tác xã kiểu mới, xây dựng mô hình Nông hội trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 - 2021 và những năm tiếp theo, đồng thời chỉ đạo UBND huyện, uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội Nông dân và các đoàn thể huyện, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn triển khai.
 
ANH-THANH-NHAT-HTX-Nong-Nghiep-va-Dich-Vu-Hung-Thom-Gia-Lai-thanh-cong-mo-hinh-san-xuat-chanh-day-theo-chuoi-gia-tri-tu-canh-tac-đat-chuan-Global-gap-DSCN1519.JPG
HTX Nông Nghiệp và Dịch Vụ Hùng Thơm Gia Lai thành công mô hình sản xuất
chanh dây theo chuỗi giá trị từ canh tác đạt chuẩn Global gap - Thanh Nhật báo Gia Lai
Giai đoạn 2019-2021, UBND huyện phối hợp Hội Nông dân huyện hỗ trợ nguồn vốn, tạo điều kiện cho các Nông hội hoạt động hiệu quả. Hội Nông dân huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Hội Nông dân tỉnh tổ chức được 84 buổi tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật với hơn 3.500 lượt hội viên tham gia. Ông Nguyễn Đặng Hoàng Quân - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mang Yang cho biết: “Để góp phần thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện uỷ, những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã bố trí nguồn vốn cho gần 10 đơn vị nông hội vay để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, với tổng dư nợ gần 4,8 tỷ đồng”.
 
Qua việc triển khai công tác tuyên truyền vận động, bước đầu đã giúp nông dân nhận thấy đây là một mô hình tự nguyện, là nơi giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm thực tế nhất để bà con thông tin cho nhau về kỹ thuật, đầu ra, giá cả thị trường, phát triển ngành chăn nuôi, trồng trọt. Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch Hội nông dân huyện chia sẻ: “Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 10 mô hình Nông hội tại 9/12 xã, thị trấn với tổng số 213 thành viên, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực trồng trọt (5 Nông hội) và chăn nuôi (5 nông hội), hoạt động tương đối hiệu quả góp phần hỗ trợ người dân thoát nghèo. Hoạt động của các mô hình Nông hội đã liên kết những người nông dân tại địa phương, tổ chức theo chuỗi liên kết ngành nghề…”.

Ông Lê Xuân Thắng - Chủ nhiệm Nông hội Chăn nuôi thị trấn Kon Dơng bộc bạch thêm: “Nông hội hiện có gần 30 thành viên và Ban Chủ nhiệm 5 thành viên. Nông hội được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện. Các thành viên đã trao đổi, thông tin và học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi lẫn nhau, sẵn sàng trao đổi cách làm hay, hiệu quả, từ đó cùng nhau hỗ trợ phát triển sản xuất… Thời gian tới, Nông hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò là nơi bà con nông dân tham gia sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi về kỹ thuật chăn nuôi gia súc và tiêu thị sản phẩm gia súc và các vấn đề khác có liên quan đến chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục quan tâm xây dựng Nông hội ngày càng vững mạnh, hoạt động có hiệu quả, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…”.

Cùng với đó, huyện Mang Yang đã tạo điều kiện phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX). Bà Trịnh Thị Hồng Hạnh - Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện cho biết: “Đến nay, toàn huyện có 19 HTX với hơn 250 thành viên tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Để chuẩn bị các dự án hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2021 -2025, UBND huyện chỉ đạo phòng Tài chính - Kế hoạch rà soát nhu cầu đăng ký hỗ trợ của các HTX như xây dựng nhà kho, xưởng phân loại và đóng gói sản phẩm xưởng sơ chế - chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng thành viên HTX. Các HTX đã có nhiều nỗ lực, tìm ra các hướng đi phù hợp, phát triển, tạo doanh thu, giải quyết lao động và sản phẩm đầu ra của xã viên. Đồng thời, việc tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là cơ hội tốt để các chủ thể sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường và có thêm động lực để phát triển”.

Một trong số các đơn vị tiêu biểu như HTX Nông - Lâm nghiệp Quyết Tiến, đứng chân tại xã Ayun được thành lập năm 1998. Đến năm 2016, HTX chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và huy động thành viên tham gia. Ngoài nguồn vốn tự có, HTX đứng ra kêu gọi các thành viên và cổ đông bên ngoài góp vốn đầu tư mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, cung cấp vật tư sản xuất... Với hướng đi mới, HTX Nông-lâm nghiệp Quyết Tiến hoạt động ngày càng hiệu quả, hiện nay có 76 thành viên, chủ yếu là người dân các xã Ayun, Đak Jơ Ta, Đak Yă và thị trấn Kon Dơng. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho thành viên và người lao động. Trong 3 năm qua, HTX còn tham gia chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho HTX làm ra những sản phẩm mới, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên, sản phẩm  đưa ra thị trường được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận. HTX phấn đấu đến năm 2026 có ít nhất 9 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.
 
ANH-THANH-NHAT-Cac-đon-vi-co-thanh-tich-tieu-bieu-hoat-đong-san-xuat-kinh-doanh-đuoc-Chu-tich-UBND-huyen-Mang-Yang-tang-giay-khen-DSCN1278.JPG

Khi tham gia vào mô hình Nông hội, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ vay vốn,
chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội để cùng nhau phát triển sản xuất chăn nuôi hiệu quả - Thanh Nhật Báo Gia Lai
 
Đứng chân tại xã Đak Ta Ley, HTX Nông Nghiệp và Dịch Vụ Hùng Thơm Gia Lai có gần 40 thành viên chính thức và 50 xã viên liên kết sản xuất. Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm - Giám Đốc cho hay: “Qua thời gian hoạt động từ cuối năm 2018 đến nay HTX đã bước đầu thành công mô hình sản xuất chanh dây theo chuỗi giá trị từ canh tác đạt chuẩn Global gap. Sản xuất, sơ chế, chế biến nhân rộng sản phẩm chanh dây thành đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng chế biến triệt để nguồn nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm đạt chất lượng cao đến người tiêu dùng…HTX được Trung Tâm Khuyến Công của Sở Công Thương  hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư máy móc thiết bị sản xuất chế biến và hệ thống làm lạnh để trữ sản phẩm an toàn, tươi ngon. HTX đã xuất khẩu thành công trái chanh dây tươi ra thị trường Pháp và Thủy Sĩ thông qua các đơn vị doanh nghiệp liên kết hợp tác, sản phẩm còn lại được đưa vào thị trường trong nước như các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch…thông qua liên kết các nhà phân phối, đại lý”.

CHÍNH QUYỀN ĐỒNG HÀNH VỚI DOANH NGHIỆP

Là huyện có tuyến Quốc lộ 19 và tuyến Tỉnh lộ 666 đi qua, đây còn là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phát triển ngành chăn nuôi theo hướng quy mô, thời gian qua, huyện đã quy hoạch khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 327,47 ha được UBND tỉnh đưa vào danh mục thu hút đầu tư. Đồng thời,  đã thu hút được nhà đầu tư lớn, dần lấp đầy cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… 

Mặt khác, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tuyên truyền sâu rộng đến hộ kinh doanh trên địa bàn xã về chính sách ưu đãi, hỗ trợ khi chuyển đổi hoạt động từ hộ kinh doanh sang loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công bố, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; bảng giá các loại đất theo từng khu vực, vị trí đã được phê duyệt, để các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân nắm bắt. Hướng dẫn, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Hiện nay, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện được cập nhật, niêm yết công khai kịp thời, đầy đủ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả và trang thông tin điện tử của huyện tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính...
ANH-THANH-NHAT-UBND-huyen-Mang-Yang-to-chuc-hoi-nghi-gap-mat-nha-đau-tu,-doanh-nghiep,-hop-tac-xa,-ho-kinh-doanh-nam-2022-DSCN1211.JPG

UBND huyện Mang Yang tổ chức hội nghị gặp mặt nhà đầu tư, doanh nghiệp,
hợp tác xã, hộ kinh doanh năm 2022 - Thanh Nhật Báo Gia Lai

 
Số lượng doanh nghiệp hoạt động tại huyện (gồm doanh nghiệp do cục thuế tỉnh quản lý và chi cục thuế Khu vực Đak Đoa - Mang Yang quản lý) tính đến nay là 114 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động khá đa dạng, đáp ứng  nhu cầu sản xuất sinh hoạt của người dân, cũng như giải quyết một lực lượng lớn lao động tại chỗ, đóng góp vào nguồn thu chủ yếu của ngân sách.

Ông Trần Kim Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Đak Đoa - Mang Yang cho biết: “Chi cục Thuế đã triển khai các chính sách về thuế liên quan đến doanh nghiệp. Thành lập trên địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, doanh nghiệp được hưởng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm đầu, áp dụng thuế suất 10% và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo, thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và gia hạn thuế của các hộ cá nhân kinh doanh theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Gần đây là thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, đồng thời gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 theo theo Nghị quyết số 84/NQ-CP và Nghị định 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ... Ngành Thuế đã kích hoạt và đưa vào vận hành 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế thống nhất từ Tổng cục Thuế đến người nộp thuế. Hệ thống đã và đang phát huy hiệu quả tích cực giúp ngành Thuế có một công cụ để giải đáp vướng mắc của người nộp thuế bằng phương thức điện tử, từ đó mang lại nhiều lợi ích cho người nộp thuế trong việc tiếp cận thông tin quy định về chính sách thuế, về quản lý thuế, cũng như dễ dàng thực hiện thủ tục thuế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế”.
ANH-THANH-NHAT-San-pham-chanh-day-va-nuoc-tinh-cot-chanh-dan-cua-HTX-Nong-Nghiep-va-Dich-Vu-Hung-Thom-Gia-Lai-đuoc-nhieu-nguoi-tieu-dung-ua-chuong-DSCN0516.JPG
Sản phẩm chanh dây và nước tinh cốt chanh dân của HTX Nông Nghiệp và
Dịch Vụ Hùng Thơm Gia Lai được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng - Thanh Nhật Báo Gia Lai

Đề cập về định hướng chỉ đạo của huyện thời gian tới, ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện tiếp tục tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh tế tập thể theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX. Đồng thời, tạo môi trường cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, làm tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực vào đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng cơ chế chính phát triển công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cũng như xu thế sản xuất gắn với chuỗi liên kết, thu hút đầu tư vào những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, các dự án chế biến nông - lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương”.
                                                                                                                        Thanh Nhật - Báo Gia Lai
 

Các tin khác