Giới thiệu   |   Liên hệ 

HỒI ỨC VỀ MỘT VÙNG CĂN CỨ CÁCH MẠNG

28/04/2020

Bài 2. Những trận chiến không quên
 
Đại tá Phan Anh Tuấn (sinh năm 1930), nguyên Phó Chỉ huy trưởng về chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai - Kon Tum, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh. Từ 1962-1964, ông là Chính trị viên Đại đội 2 độc lập của Tỉnh đội hoạt động trên địa bàn huyện 6. Từ 1965-1968, ông là Chính trị viên Tiểu đoàn 15 (H15) bám sát căn cứ huyện 6 vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng... Ông hiện sống tại đường Lý Thái Tổ, TP. Pleiku.
 
 


Ông nói: Chiến tranh thì ở đâu cũng khốc liệt cả. Nhưng huyện 6 có nét đặc thù. Anh cứ tưởng tưởng: Mình ở sát bên một thằng tham lam và độc ác. Dù có căm thù nó đến mấy, thì việc đầu tiên mình phải nghĩ là tồn tại đã. Nó biết sớm muộn gì mình cũng sẽ “tiễn” nó đi, nên luôn tìm cách chống. Với nó, chống mình tốt nhất là xóa sổ mình. Vậy là đôi bên găng với nhau, lúc nào cũng rình rập, thủ thế. Nó ở Pleiku, mình ở huyện 6, sát sạt nhau. Nó di chuyển bằng cơ giới, máy bay, mình cơ động bằng đôi chân, mỗi cách đều có những điểm hay và dở cả. Nó nhanh thì dễ lộ. Ta chậm mà bí mật. Nhưng có một điều chắc chắn: Dù có hiện đại, trang bị tận răng thì địch vẫn rất sợ quân ta đột ngột xuất hiện, đánh chớp nhoáng rồi rút vào rừng. Đó là một thế mạnh của ta.
123.jpg
Đại tá Phan Anh Tuấn. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Ông Phan Anh Tuấn nhớ lại: Đến năm 1960, lực lượng vũ trang của ta vẫn còn khá hạn chế về súng đạn, con người. Trong khi đó, Mỹ đã tăng cường viện trợ và can thiệp quân sự sâu. Pleiku trở thành nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh vùng II chiến thuật. Điều này có nghĩa là Pleiku và Gia Lai đã chính thức bị biến thành căn cứ quân sự, đầu não của vùng II và Quân đoàn II Việt Nam Cộng hòa. Và như vậy, huyện 6 trở thành vành đai phía đông và đông-nam căn cứ quân sự Pleiku, là khu đệm giữa vùng căn cứ cách mạng với căn cứ quân sự của địch. Trên địa bàn huyện, ngoài hệ thống đồn bốt, ấp chiến lược dày đặc, quân đội Mỹ còn có trung tâm huấn luyện biệt kích đóng tại làng Dolim (đồn Kuăi). Nơi đây thường xuyên có 500 đến 600 lính và hàng chục cố vấn Mỹ trực tiếp đào tạo. Chưa kể, từ cuối năm 1965, khi Sư đoàn 4 bộ binh Mỹ đến đóng dưới chân núi Hàm Rồng, thì bọn tay sai dựa hơi chúng càng thêm hung hãn.

Căn cứ huyện 6? Đúng là huyện 6 đã lấy làng Ktu (xã Kon Chiêng ngày nay) làm trục chính để xây dựng cơ quan căn cứ. Về cơ bản là như vậy, song những năm tháng đó, nhiều địa điểm khác cũng đã được chọn làm nơi đứng chân, như: Đe Bơchăk, Đak Ó, Đak Pơyâu, Đe Keo, Đe Duch, Lut Klah, Lơpang Roh, U, Gđâk, Kông Siêk, Kông Chêng,… Nhờ có căn cứ, lực lượng vũ trang của ta đã có bước trưởng thành, có điều kiện thuận lợi hơn trong tác chiến, lui binh, củng cố. Tất nhiên, địch đánh hơi thấy điều đó ngay và chúng càn quét dữ dội. Có cuộc càn quy mô 2 trung đoàn, kéo dài đến 2 tháng. Ngoài bắn pháo, chúng còn dùng cả máy bay tập kích cơ quan, kho tàng của ta. Đại tá Phan Anh Tuấn nhớ lại: Giữa năm 1960, 1 tiểu đoàn Bảo an càn vào vùng cơ quan căn cứ huyện 6. Lực lượng ta ít, vũ khí kém, bị địch bọc hậu gây thiệt hại đáng kể. Anh Phan Nghĩa, Phó Bí thư Huyện ủy và anh Đinh Yơn dũng cảm hy sinh. Địch đã đập nát thi thể hai anh. Chúng tưởng làm vậy thì nhân dân sẽ khiếp sợ. Nhưng không, chính hành động man rợ và hèn hạ ấy càng khiến bà con thêm cảm phục, thương yêu, ủng hộ cách mạng.

Ông dừng lại hồi lâu rồi kể tiếp: Lịch sử huyện 6 chắc chắn có ghi lại trận kỳ tập ngày 1/10/1962. Hôm đó, một trung đội của Đại đội 2 Tỉnh đội do anh Y Dông, Đại đội trưởng chỉ huy cùng 3 du kích cải trang thành lính Việt Nam Cộng hòa đột kích vào ấp Tay Rong, Tau Kuk, gần Kueng Mep, ra lệnh tập trung dân vệ kiểm tra vũ khí… Sau đó, ta giáo dục chính sách khoan hồng, tuyên bố giải tán lực lượng này, tịch thu 12 súng, bắt trưởng ấp và trung đội trưởng dân vệ đưa về Ban an ninh. Trận này không lớn nhưng rất ý nghĩa, đã làm rúng động bộ máy kìm kẹp của địch. Quan trọng hơn, nó cho thấy lòng dũng cảm, sự tự tin và mưu trí của những người lính thời chiến. Họ không hề tiếc tính mạng khi làm một việc mạo hiểm như vậy.

Những ai từng ở căn cứ huyện 6 thời chống Mỹ hẳn sẽ khắc ghi tội ác của địch nơi các đồn bốt, ấp chiến lược. Hàng trăm dân thường vô tội đã chết vì đạn bom và sự kìm kẹp của chúng. Đại tá Phan Anh Tuấn nói rằng ông không quên những trận thắng tiêu diệt hàng trăm tên địch, phá hủy nhiều xe quân sự, thu vô số vũ khí trên địa bàn huyện và ông cũng sẽ mãi nhớ sự hy sinh của đồng đội mình. Đó là những con người rất dũng cảm thuộc Tiểu đoàn X67: Đại đội trưởng Võ Đình Hường và 1 chiến sĩ bị phục tại ấp Đe Kồ, tháng 10/1967; Thượng úy Nguyễn Bá Nhơncùng 3 chiến sĩ bị biệt kích Mỹ bắn, khi đi trinh sát đồn Kuăi, tháng 9/1969; 2 đại đội trưởng, trong đó có anh Nguyễn Bá Ninh và 3 đồng đội hy sinh khi đi trinh sát đồn Mo, tháng 7/1973… Ấp Brêl Dôr, Glar cũng là nơi gây cho ta nhiều mất mát. Chính tại đây, mùng 4 Tết năm Mậu Thân (1968), Bí thư Huyện ủy Võ Tiệu đã bị bắt, tù đày cùng nhiều đồng đội của anh…

Điều ông mong đợi nhất khi bám trụ ở huyện 6 là gì? Anh có hiểu được không nhỉ, tâm lý của người lính thời chiến ấy? Tôi muốn nói gọn lại một điều: Chỉ mong hết chiến tranh! Tôi may mắn được đi gần trọn hai cuộc chiến của dân tộc (8 năm chống Pháp), xấp xỉ 45 năm quân ngũ, đã tận mắt thấy rất nhiều vui buồn trên chiến trường. Nên 17/3/1975 là một ngày tràn đầy cảm xúc và vô cùng quan trọng đối với chúng tôi – những người lính. Tôi hài lòng vì cuối cùng thì chiến tranh cũng kết thúc, hòa bình đến với tất cả mọi người!

                                                                                                                             Nguyễn Quang Tuệ
 

Các tin khác