Giới thiệu   |   Liên hệ 

HỒI ỨC VỀ MỘT VÙNG CĂN CỨ CÁCH MẠNG

28/04/2020

Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, quân và dân Gia Lai đã xây dựng nhiều căn cứ cách mạng để chống kẻ thù xâm lược, cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), chúng tôi khởi đăng loạt 5 bài, ghi chép lại hồi ức của những người trong cuộc về một căn cứ cụ thể - huyện 6 (Mang Yang).
 
Bài 1. Những đốm lửa đầu tiên
 
Khi tôi đặt vấn đề tìm hiểu về huyện 6 thời chiến tranh, ông Ngô Thành (sinh năm 1927), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đăm chiêu hồi lâu rồi bất ngờ hỏi lại: Chúng ta sẽ bắt đầu từ đâu nhỉ? Hóa ra có quá nhiều điểm khởi phát để bắt đầu một câu chuyện về vùng đất lắm gian nan nhưng cũng rất đỗi anh hùng này.

Chúng tôi bắt đầu từ những ngày đầu chống thực dân Pháp. Khi đó, chúng ta có rất nhiều, mà cũng lại không có gì cả. Rất nhiều là lòng dân, là núi rừng, là sự lãnh đạo của Đảng; còn không có gì là vì: Chính quyền, quân đội chúng nắm, đường sá, kho tàng chúng quản; lực lượng ta mỏng, vũ khí ít ỏi. Ông Ngô Thành đã bắt đầu câu chuyện như vậy. Quả đúng, những ngày đầu kháng Pháp, không chỉ Mang Yang (khi này còn là vùng đất thuộc huyện Plei Kon và phần phía tây của huyện Đak Bơt) mà nhiều địa phương thuộc tỉnh Gia Lai đều nằm trong tình trạng ấy.

1.jpg
Ông Ngô Thành và nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh NVCC

Ông Ngô Thành nhớ lại: Từ đầu năm 1947, Tỉnh ủy Gia Lai đã tổ chức các đội công tác trên vùng đất Mang Yang. Hai năm sau, phần lớn các làng phía nam, phía bắc đường 19, giáp đường 14 đều có cơ sở kháng chiến. Ở vùng Đak Pơyâu, Kon Thụp, Đe Ar, Đe King (phía đông sông Ayun),… các đội vũ trang tuyên truyền phối hợp với cán bộ vận động chính quyền tạo lập những căn cứ bàn đạp. Các làng dân tộc thiểu số cư trú dọc theo suối Pơyâu, tiêu biểu là Đak Brik đã kiên trì xây dựng làng kháng chiến. Đó là một điều kỳ diệu mà chắc chắn địch không thể nào hiểu được. Ta có bị mất mùa, đói kém, đối mặt với vô vàn khó khăn, nhưng quan trọng nhất là lực lượng cách mạng trên địa bàn huyện đã bám chắc trong lòng dân. Nhờ đó, ta không chỉ giữ vững được Đak Bơt, Đe Ar mà còn giữ được cả vùng phía đông và tây sông Ayun. Sự chuẩn bị này hết sức quan trọng, vì bước qua các năm 1953 và 1954, tình hình đã khác.

Sau đình chiến (20/7/1954), huyện 6 bao gồm vùng đất phía đông và tây sông Ayun, từ dãy Kông Chêng đến sát quốc lộ 14, từ nam quốc lộ 19 đến đường số 7A (nay là quốc lộ 25) với dân số khoảng 38.000 người thuộc huyện Đak Bơt cũ. Hãy cứ tưởng tượng, ngày nay ở một đơn vị cấp huyện, ta có đến hàng trăm cơ sở Đảng và hàng ngàn đảng viên. Còn lúc đó, tỉnh bố trí ở lại Mang Yang chỉ có 11 cán bộ thoát ly thôi, ông Ngô Thành so sánh.

Là 1 trong 134 người ở lại Gia Lai thời kỳ đó, từng phải tìm thức ăn trong nhà mả để sống sót nhiều ngày ngoài rừng một mình, ông Ngô Thành hiểu rõ khó khăn mà những cán bộ hoạt động bí mật trải qua. Không lương, không điện đài liên lạc, tất cả họ đều phải thay tên đổi họ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con dân tộc thiểu số. Anh Đoàn Xoa có tên khác là Lý, Trần Kiền là Ling, Đặng Tiết thành Met… Theo thời gian, những đốm lửa ban đầu ấy lan rộng dần ra. Ngày nay, thỉnh thoảng ta thấy có tấm hình người cán bộ Kinh đóng khố cởi trần, tay cầm dao, miệng ngậm tẩu. Đó không phải là chụp chơi đâu, ăn vận như vậy mới tồn tại được, ông Ngô Thành chia sẻ.

Sống trong lòng dân, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Gia Lai, huyện 6 kiên trì xây dựng căn cứ kháng chiến. Theo ông Ngô Thành, không có căn cứ, sẽ không thể tồn tại, chưa nói đến chiến thắng kẻ thù. Nhưng thực ra, căn cứ ban đầu của huyện 6 vẫn chưa có nhà cửa gì. Anh em vẫn phải nương náu trong nhà dân hay ngoài rẫy của bà con. Những lúc địch ruồng bố, phải ẩn mình trong hang đá, bên bờ suối… Gay go nhất là khi địch dồn dân, lập ấp nhằm cô lập dân với cán bộ. Cán bộ với dân như cá với nước, không có nước thì cá làm sao sống được? May là huyện đã kịp thời phát triển đảng viên, xây dựng cơ sở rộng khắp, kể cả trong vùng địch kiểm soát.

Sau Nghị quyết 15 (1959) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là sau Đồng khởi (1960), khi huyện 6 đã có vùng giải phóng và vùng làm chủ hợp pháp, ta cần có một căn cứ an toàn, ổn định để đặt cơ quan của huyện, là nơi đứng chân của các lực lượng kháng chiến. Là người từng sống ở căn cứ Krong (Kbang) gần 15 năm (1963-1975), ông Ngô Thành cho rằng căn cứ huyện 6 và căn cứ khu 10 (Krong) có nhiều điểm khác nhau.

Về quy mô, Krong là căn cứ của tỉnh còn căn cứ Mang Yang là của cấp huyện. Đáng kể hơn, căn cứ Krong ở khá xa địch còn căn cứ huyện 6 thì ở ngay sát nách chúng. Do đó, nếu tại khu 10, nhà cửa tương đối “khang trang” thì ở huyện 6 sự cơ động được đặt lên hàng đầu. Cán bộ, chiến sĩ ta ở huyện 6 tăng võng, ba lô luôn trên lưng, sẵn sàng đánh địch và cũng sẵn sàng lánh địch để bảo toàn lực lượng. Trừ bệnh xá, kho tàng (thường được bố trí bí mật trong rừng, nơi hang đá), đa phần chỗ ở của lực lượng ta là lán trại tạm bợ. Điều may mắn là, được sự đồng ý của Tỉnh ủy, huyện 6 đã chọn cho mình một địa thế phù hợp đủ để hình thành căn cứ địa vững chắc. Đó là dựa vào dãy Kông Chêng với rất nhiều hang đá tiếp nối, cây cối rậm rạp và dựa vào dòng suối Đak Pơyâu có lượng cua cá, rau xanh dồi dào.

Chiến tranh ác liệt vô cùng, nhưng dựa vào dân thì mọi việc đâu sẽ vào đấy. Không chỉ huyện 6 – Mang Yang mà rất nhiều địa phương đã đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ theo cách này. Chúng ta đã sống trong lòng dân và tựa vào núi rừng, thiên nhiên để chiến thắng kẻ thù, ông Ngô Thành bồi hồi khẳng định lại điều tâm đắc trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

                                                                                                                        Nguyễn Quang Tuệ
 

Các tin khác