Giới thiệu   |   Liên hệ 

Huyện Mang Yang: Hiệu quả kênh vốn tín dụng nông nghiệp

15/12/2021

Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Mang Yang (Agribank Chi nhánh huyện Mang Yang) thuộc Agribank Đông Gia Lai, đã triển khai các giải pháp để đưa nguồn vốn vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.


Ông Trần Trọng Toàn -  Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Mang Yang cho biết: “Chi nhánh đã thực hiện chương trình, chính sách tín dụng theo quy định của Chính Phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank cấp trên về lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, tập trung các biện pháp chuyển dịch cơ cấu lại đầu tư tín dụng theo hướng giảm dư nợ lĩnh vực phi nông nghiệp để ưu tiên vốn cho nông nghiệp, gắn với cho vay xây dựng nông thôn mới, chương trình tái canh cây cà phê, các dự án sản xuất nông nghiệp… Cùng với đó,  Chi nhánh còn đẩy mạnh cho vay qua tổ liên kết, qua đó tạo mối quan hệ gắn bó với chính quyền và các hội đoàn thể tại địa phương trong hoạt động tín chấp cho vay đầu tư phục vụ sản xuất”.

THANH-NHAT-Quang-canh-Agribank-Chi-nhanh-huyen-Mang-Yang-DSCN0317.JPG
 
Thông qua nhiều chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của huyện, đã góp phần nâng tổng dư nợ cho vay của Agribank Chi nhánh huyện Mang Yang đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng hàng năm. Cơ cấu dư nợ bố trí hợp lý, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương và đúng hướng chỉ đạo của ngành. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 100% tổng dư nợ đầu tư tín dụng trên địa bàn huyện. Giám đốc  Trần Trọng Toàn  cho hay: “Đơn vị đã phối hợp với Hội Nông dân huyện và 12/12 xã thị trấn triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Giai đoạn 2016-2021,  đã cho vay hơn 20.300 lượt khách hàng, với doanh số cho vay hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ trọng dư nợ cho vay hộ sản xuất chiếm 98,2% tổng dư nợ…, giải quyết kịp thời nhu cầu vốn vay của khách hàng để phục vụ đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã phối hợp với Hội nông dân huyện thành lập 37 tổ liên kết vay vốn, với gần 1.130  thành viên, hiện dư nợ cho vay qua tổ kiên kết đạt hơn 113 tỷ đồng. Hoạt động của tổ vay vốn do Hội nông dân quản lý đã phát huy hiệu quả tốt trong tổ chức thực hiện các điều kiện cho vay đối với các hội viên nông dân là thành viên của tổ vay vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân và công tác quản lý tín dụng của Agribank đảm bảo an toàn, hiệu quả, các rủi ro trong hoạt động cho vay, thu nợ và cung cấp các sản phẩm dịch vụ...
 
THANH-NHAT-Vuon-ca-phe-cua-ong-Dam-dan-toc-bahnar-o-lang-Ar-Btok-xa-Đe-ArDSCN0529.JPG
 
Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch Hội nông dân huyện chia sẻ: “Hàng năm,  Hội thường phối hợp với Agribank Chi nhánh huyện Mang Yang kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả của các tổ liên kết vay vốn, động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tổ thực hiện tốt chương trình phối hợp. Đồng thời, phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư chăm sóc cà phê là cây trồng chủ lực tại địa phương. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 8,85%, đến nay tổng diện tích cây trồng của huyện hơn 17.930ha. Bên cạnh đó, bà con nông dân còn đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống. Tại địa bàn huyện có hơn 3.000 hộ đạt tiêu chuẩn “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp, tăng gần 10% so với năm 2016…”.
Nhiều hộ vay vốn tại Agribank Chi nhánh huyện Mang Yang đã phát huy hiệu quả nguồn vốn trong đầu tư sản xuất chăn nuôi như ông Huỳnh Hữu Quyết ở thôn Nhơn Bông xã Ayun, là khách hàng vay vốn từ năm 2016 đến nay để phát triển kinh tế nông nghiệp tại gia đình, theo mô hình trang trại chăn nuôi heo giống và heo thịt. Nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, nên mô hình này của gia đình ngày càng hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập ổn định, vừa trả gốc và lãi vay đúng hạn cho ngân hàng và tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.
 
THANH-NHAT-Mo-hinh-trong-cay-an-trai-va-rau-sach-ho-ba-Le-Thi-Tam-o-to-2-thi-tran-Kon-Dong-DSCN0537.JPG
 
Tương tự, bà Lê Thị Tám ở tổ 2 thị trấn Kon Dơng với diện tích canh tác gần 4 ha gồm vườn tiêu, kết hợp mô hình trồng cây ăn trái và rau sạch... Hộ ông Nguyễn Văn Đua ở thôn 1 xã Hải Yang huyện Đak Đoa với mô hình chăm sóc cà phê và chăn nuôi heo, lợi nhuận hằng năm của gia đình từ 500 triệu đồng trở lên. Hay như hộ ông Tũy, dân tộc bahnar ở làng Đak Ó xã Kon Chiêng đã bộc bạch: “Mình vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp huyện đã được 8 năm, để chăm sóc vườn cà phê, trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi.  Đến nay, kinh tế gia đình được cải thiện rất nhiều, mình mới xây dựng được nhà ở khang trang, ổn định cuộc sống…”.

THANH-NHAT-Giai-ngan-von-vay-cho-khach-hang-tai-Agribank-Chi-nhanh-huyen-Mang-Yang-DSCN0205-(1).JPG
 
Đề cập về một số giải pháp thời gian tới, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Mang Yang Trần Trọng Toàn cho biết thêm: “Giai đoạn 2021-2025, đơn vị tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng quy mô hoạt động gắn với khả năng quản trị rủi ro, phát huy vai trò chủ lực trên thị trường tiền tệ, tín dụng khu vực nông nghiệp, nông thôn tại địa bàn huyện. Tập trung đầu tư cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phát triển khách hàng hộ sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, chú trọng các chính sách khách hàng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, triển khai hiệu quả dịch vụ hàm lượng công nghệ cao và hướng dẫn khách hàng đăng ký sử dụng. Đồng thời, tăng cường huy động vốn để nâng cao khả năng cân đối nguồn vốn tự lực của Chi nhánh, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu khách hàng, phù hợp sự phát triển kinh tế xã hội chung của huyện nhà”.

                                                                                                                   Thanh Nhật - Báo Gia Lai

Các tin khác