Giới thiệu   |   Liên hệ 

Ngày mới ở Kon Thụp

13/02/2014
 Những ngày áp Tết Xuân Giáp Ngọ, chúng tôi có dịp về công tác tại xã Kon Thụp-một trong 5 xã nằm ở phía Đông của con sông Ba rộng lớn thuộc huyện Mang Yang và đã ghi nhận được nhiều điều vui. Đi trên các con đường làng, đường liên xã đâu đâu cũng thấy một màu xanh của cây trái phủ kín khắp vườn nhà, vườn đồi và đã khẳng định sự ấm no, hạnh phúc đang trỗi dậy ở các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đến thăm nhà anh Byưk, người dân tộc Bahnar ở làng Groi mới thấy hết sự ham làm giàu và biết cách làm giàu của gia đình anh cũng như trong cộng đồng làng như thế nào. Trên khu vực vườn đồi của nhà anh hiện có 1.400 gốc tiêu, 600 gốc cà phê và 2 ha cao su tiểu điền, loại cây trồng nào cũng đều tươi tốt và cho năng suất cao; các loại cây - con truyền thống như mì cao sản, lúa nước... cũng có đến vài ba hecta và nuôi được nhiều bò sinh sản. Với tài sản này, hàng năm nhà anh có mức thu nhập bình quân từ 450 triệu đồng đến 500 triệu đồng (đã trừ chi phí)-là một trong những người giàu có nhất, nhì trong làng.

Anh Byưk tâm sự: Trước đây nhà mình cũng nghèo khó lắm, đất có nhưng chẳng biết cách làm ăn nên phải bỏ hoang hóa để cho trâu bò “nghỉ ngơi”. Sau khi được cán bộ tổ chức cho đi tham quan một số mô hình kinh tế nông nghiệp trong tỉnh, mình nghĩ phải quyết tâm làm giàu bằng cách thay đổi nếp nghĩ-cách làm như lâu nay là không hiệu quả. Số quỹ đất hoang hóa, mình tận dụng hết để đưa vào trồng tiêu, cao su, cà phê; ban đầu trồng một ít sau mở rộng dần diện tích và học tập kỹ thuật trồng, chăm sóc đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhà anh Plinh, người dân tộc Bahnar ở làng Sơ Pir cũng đã thoát được cảnh nghèo đói từ bao đời nay, bây giờ đã vươn lên làm giàu cũng chính từ thay đổi nếp nghĩ và cách làm mới. Từ chỗ tài sản gần như không có gì nay gia đình anh đã “tậu” được một số quỹ đất để đưa vào trồng các loại cây kinh tế như trồng được 1,6 ha cao su, 1.000 gốc tiêu, 600 gốc cà phê và bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Điều đáng mừng là, anh không chỉ biết làm giàu cho riêng mình mà còn có tinh thần giúp đỡ cho cộng đồng làng cùng làm theo để vươn lên trong cuộc sống, chủ yếu là giúp vốn, giống và kỹ thuật.

Làng Sơ Pir chỉ có 46 hộ người dân tộc Bahnar, nay gần như đã xóa hết hộ nghèo và cuộc sống của người dân đang dần được ổn định và nâng cao, bởi bà con đã thực hiện việc chuyển dịch cây trồng-vật nuôi đúng hướng và hiệu quả. Cả làng hiện đã phát triển được gần 10 ha tiêu, 9 ha cà phê, 14 ha cao su tiểu điền và hơn 50 ha cây bời lời.

Xã Kon Thụp-một trong 5 xã nằm ở phía Đông của con sông Ba có 10 thôn làng với gần 1.300 hộ, 5.500 nhân khẩu, trong đó có đến gần 50% số dân là người dân tộc Bahnar. Trong những năm gần đây, nền kinh tế ở Kon Thụp đang có chiều hướng phát triển mạnh từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng-vật nuôi đúng hướng và dần trở thành một “bức tranh” sáng trong vùng.

Cả xã hiện có tổng diện tích cây trồng hơn 2.000 ha, trong đó có đến 1/3 diện tích đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây kinh tế như cao su, cà phê, hồ tiêu và bời lời; nguồn lợi từ các loại cây trồng này đã mang lại rất cao cho người dân. Tuy chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong xã cũng có đến hàng trăm hộ có mức thu nhập cao từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm, còn hộ có mức thu nhập từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì khá nhiều.

Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm gần đây giảm mạnh và mang nhiều yếu tố bền vững; hiện nay cả xã chỉ còn khoảng 200 hộ nghèo, chiếm 15,7% và đang phấn đấu đến năm 2015 giảm xuống còn khoảng 6%-thấp nhất trong vùng.

Ông Đinh Trí-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp đã khẳng định: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân, trong những năm tới UBND xã sẽ tiếp tục chỉ đạo và tạo mọi thuận lợi cho các làng tiếp tục chuyển đổi trên những diện tích cho phép; đồng thời phát triển mạnh chăn nuôi gia súc trên cơ sở nâng cao chất lượng đàn, phấn đấu tăng đàn bò lên gần 1.000 con và đàn heo 1.600 con, đồng bào mình sẽ không còn nghèo đói nữa.
                                                                                                                         Nguyên Văn
                                                                                                                    LÊ HỮU PHONG ST

Các tin khác