Giới thiệu   |   Liên hệ 

Tăng cường công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết

25/01/2014
 Vệ sinh an toàn thực phẩm luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với người tiêu dùng, nhất là hàng hóa, thực phẩm phục vụ dịp Tết. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng,  huyện Mang Yang đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhằm đảm bảo các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tuân theo đúng các quy định của Luật An toàn thực phẩm.

Hiện nay trên địa bàn huyện ta có hàng chục cơ sở kinh doanh ăn uống, hàng tạp hóa liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng tại Trung tâm Thương mại huyện Mang Yang có 9 hộ kinh doanh với 14 lô sạp hàng thực phẩm khô như bánh kẹo, nước uống, mỹ phẩm, rượu bia thuốc lá…và 82 hộ kinh doanh hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, gà, vịt, rau quả các loại. Điều này đặt ra vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng là hết sức cần thiết, nhất là trong những ngày Lễ, Tết – khi nhu cầu mua sắm tăng cao so với những ngày thường.

Ông Trần Văn Hiến – Đội Phó Đội quản lý công trình Đô thị - Môi trường - Thương mại huyện Mang Yang cho biết: “Trong dịp Tết Đội đã phối hợp với Quản lý thị trường kiểm tra rà soát các mặc hàng kinh doanh buôn bán, vận động các hộ kinh doanh ưu tiên dùng hàng Việt, có nguồn gốc, xuất xứ. Nghiêm cấm buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán. Đội quản lý công trình đô thị thường xuyên đôn đốc các hộ kinh doanh mặc hàng tươi sống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra phòng chống cháy nổ tại Trung tâm Thương mại huyện. Vừa qua Đội cũng đã tập huấn công tác phòng cháy chữa cháy, cho các hộ kinh doanh, các hộ lân cận Trung tâm thương mại huyện. Đội cũng nhắc nhở tiểu thương không buôn bán pháo trong dịp Tết, việc sử dụng điện phải an toàn, cấm việc thờ cúng tại chợ”.
 
Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày Tết, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra các hộ kinh doanh thực phẩm tại các địa bàn xã Đak Djrăng, Kon Thụp, Hra, Ayun, Đak Yă, Trung tâm Thương mại và thị trấn Kon Dơng.

Qua công tác kiểm tra, nhìn chung nhiều hộ kinh doanh đã nhận thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc chấp hành các điều kiện kinh doanh như phải có giấy phép đăng ký kinh doanh, kinh doanh đúng ngành, nghề, chủng loại hàng hóa đăng ký.

Tuy nhiên Đoàn cũng đã tiến hành lập biên bản 20 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh, trong đó một trường hợp vi phạm hàng không có nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra đã tịch thu và tiêu hủy tại chỗ 01 cây thuốc ESSE, 07 hộp quẹt ga, 02 hộp bơ thực vật.

Đối với một số hộ kinh doanh thuốc lá, rượu chưa có giấy phép kinh doanh, Đoàn đã nhắc nhở, yêu cầu bổ sung kịp thời giấy phép kinh doanh.

Tại các hộ kinh doanh thực phẩm ăn uống, hàng tươi sống trên địa bàn huyện, hầu hết các hộ kinh doanh đều có đầy đủ các loại giấy phép bắt buộc như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; Giấy chứng nhận sức khỏe đối với chủ cơ sở và người lao động; Giấy chứng nhận tập huấn kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động…
 
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hàng hóa tại chợ Mang Yang

          Khó khăn đặt ra trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện là vấn đề chuyên môn, như lấy mẫu, xét nghiệm bệnh phẩm tại chỗ; khả năng phân biệt đâu là hàng giả, hàng thật, hàng kém chất lượng.
Ông Đinh Ngọc Thắng – Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết:“ Trong quá trình kiểm tra cũng có những vướng mắc khó khăn như hàng hóa nhiều, người mua bán nhiều. Khi kiểm tra không có hàng mẫu đối chứng hàng thật, hàng giả. Hàng kém chất lượng không thể kiểm định tại chỗ được, chỉ kiểm tra được hàng hóa không có xuất xứ, không nhãn mác. Một số hộ kinh doanh khi Đoàn đến kiểm tra thì đóng cửa, không tiếp Đoàn kiểm tra”.

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức, triển khai thông tin, tuyên truyền cho các hộ kinh doanh về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là các biện pháp bảo đảm vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Chú trọng các biện pháp bảo đảm vệ sinh ngăn ngừa ô nhiễm thực phẩm; chỉ sử dụng nước sạch và nguyên liệu thực phẩm an toàn để chế biến; bảo quản thực phẩm an toàn.

Đối với người tiêu dùng, chỉ ăn thực phẩm đã được nấu chín, uống nước đã sôi; tuyệt đối không ăn tiết canh, thức ăn sống, tái; bảo đảm vệ sinh cá nhân… Chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh lây truyền qua thực phẩm để những ngày Tết đến, Xuân về thực sự là những ngày vui trọn vẹn.
 
                                                                                                                                              Đức Phương.     

Các tin khác