Giới thiệu   |   Liên hệ 

Triển vọng từ các mô hình nông – lâm kết hợp ở xã vùng 3

25/01/2014
Kon Chiêng là xã vùng 3, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, chủ yếu là đồng bào Bahnar sinh sống lâu đời, cuộc sống của người dân gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do hạn chế về trình độ canh tác, thiếu thông tin về tiến bộ khoa học công nghệ nên năng suất về cây lương thực, cây công nghiệp, chăn nuôi còn thấp so với các vùng lân cận. Do đó việc chuyển giao nhanh các tiến bộ kỹ thuật mới về thâm canh tổng hợp để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi cho xã Kon Chiêng thông qua việc thực hiện Dự án “Xây dựng Mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông - lâm kết hợp tại xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang ” nhằm nâng cao đời sống cho người dân là hết sức cần thiết.

Dự án được thực hiện từ năm 2012 đến hết năm 2014, với tổng kinh phí thực hiện dự án trên 3,1 tỷ đồng, do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm thủy lợi nông lâm nghiệp Gia Lai làm chủ đầu tư. Trong đó vốn ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh là 2,5 tỷ đồng bao gồm hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật và vật tư nông nghiệp, số còn lại người dân tham giam đóng góp bằng công lao động và các khoản khác.

Anh Trần Xuân Kỳ - Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm thủy lợi nông lâm nghiệp Gia Lai thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên cho biết:
“Viện Khoa học và Kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mang Yang thực hiện chương trình chuyển giao khoa học công nghệ nông lâm kết hợp và đến nay đã thực hiện được 2 năm. Dự án này gồm có 3 mô hình chính đó là mô hình trồng mỳ xen bời lời và mô hình thứ 2 là mô hình lúa nước 2 vụ. Mô hình thứ 3 là mô hình nuôi bò trong chuồng. Đến nay chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định”.
Với lợi thế trên địa bàn xã có công trình thủy lợi với công suất đủ tưới cho 200ha và diện tích trồng lúa nước của toàn xã trên 500ha, thì cây lúa nước được chọn làm điểm nhằm nhân rộng mô hình. Thời gian qua đã có 100 hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia thực hiện trên diện tích 20 ha ruộng lúa nước 2 vụ. Qua hai năm thực hiện cho thấy năng suất lúa ổn định, đạt 5 đến 6 tạ trên một sào.

Ông Hngơnh – Thôn trưởng làng Toak xã Kon Chiêng cho biết:
 “Bên Dự án hướng dẫn chúng tôi, để chúng tôi thực hiện trồng lúa 2 vụ, hai năm thực hiện lúa đạt năng suất 13 bao trên một sào, hôm nay bà con rất mừng”

Mục tiêu của Dự án từ nay đến hết năm 2014 sẽ ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới về giống và kỹ thuật thâm canh nhằm chuyển đổi giống lúa địa phương năng suất thấp sang trồng giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao như Hương thơm 1, DV 108 góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho đồng bào miền núi.
Song song với việc phát triển nông nghiệp thì lâm nghiệp cũng được địa phương quan tâm giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư trong vùng thực hiện dự án nhằm giúp người dân từ tăng thu nhập từ rừng. Việc thực hiện trồng xen cây bời lời đỏ dưới tán rừng, quanh vườn nhà, rẫy cà phê, rẫy mì đã tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích, đồng thời gắn lợi ích, trách nhiệm của người dân vào việc bảo vệ rừng.

Ông Bôl – Làng Đe Tar xã Kon Chiêng nói:
“Dân làng mình theo Dự án hướng dẫn trồng mì, trồng xem bời lời trong một diện tích. Khi thu mì, bốn năm sau nữa thu bời lời để được hưởng lợi trên một diện tích. Từ hướng dẫn của dự án, bà con ai cũng mong muốn làm ăn kinh tế, phát triển”.

 
Mô hình trồng  xen cây bời lời trong rẫy mỳ

Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực, thì việc làm giàu bằng phát triển chăn nuôi cũng được chú trọng, trong đó mô hình trồng cỏ cao sản, nuôi bò cũng được xác định là chủ lực của xã Kon Chiêng.

Theo đó Dự án đã cấp phát 28 con bò cái sinh sản giống địa phương và 4 con bò đực lai Zebu đạt tiêu chuẩn về ngoại hình, thể chất cho 32 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo; hộ có điều kiện, kinh nghiệm chăn nuôi bò. Các hộ dân sẽ ký hợp đồng chăm sóc, nuôi dưỡng và sử dụng phối giống trực tiếp, được hỗ trợ một phần kinh phí làm chuồng trại, được hỗ trợ về mặt kỹ thuật chăm sóc cũng như kỹ thuật trồng cỏ nuôi bò.

Theo tính toán của dự án, từ 28 con bò cái ban đầu, sau 2 năm sẽ sản xuất ra 56 con bê lai hướng thịt chất lượng cao. Về lâu dài, việc cải tạo đàn bò sẽ làm tăng sản lượng thịt bò và làm tăng hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi bò từ 10-12%, tiến dần tới nền chăn nuôi bò thịt hàng hoá chất lượng cao.

Bên cạnh trồng cỏ nuôi bò, các cán bộ kỹ thuật của dự án đã hướng dẫn người dân tận dụng nguồn phân chuồng và các xác bã thực vật như rơm rạ, thức ăn thô dư thừa; bằng phương pháp ủ vi sinh với chế phẩm Trichoderma tạo ra nguồn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng, góp phần chủ động nguồn phân bón, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi đồng thời tiết kiệm được kinh phí mua phân bón hóa học.

Các mô hình sản xuất trên đây sẽ góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Thành công của dự án góp phần ổn định đời sống kinh tế - xã hội tại xã Kon Chiêng huyện Mang Yang. Đưa ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp tại địa phương không ngừng phát triển, đem lại hiệu quả cho người dân địa phương cả về kinh tế, khoa học, xã hội lâu dài. Thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
                                                                                                                          Đức Phương.

Các tin khác