Giới thiệu   |   Liên hệ 

HUYỆN MANG YANG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

30/10/2020

Nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai, cũng như các địa phương khác Mang Yang được biết đến là huyện giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Những năm gần đây, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Bahnar đã và đang thúc đẩy du lịch phát triển.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho người dân bản địa; việc phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng là phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hoá dân tộc đặc sắc. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương; đồng thời, loại hình này mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hóa bản địa, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Tuy nhiên, nhằm thúc đẩy du lịch cộng đồng phát triển bền vững cần giữ được giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bẳn sắc cội nguồn, nguyên sơ, chất phác chân thực của văn hóa bản địa, đó là giá trị cốt lõi của cộng đồng, không để đánh mất nó.

12.jpg
Nhà ông Gung, làng Đêkjêng, xã Ayun, huyện Mang Yang
(01 trong 05 hộ được chọn xây dựng nhà mô hình homestay tại làng du lịch cộng đồng Đêkjêng).
 
Vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát  huy các giá trị di sản văn hóa được xem là loại hình xóa đói giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Huyện Mang Yang đã và đang triển khai những bước đầu tiên để xây dựng loại hình du lịch cộng đồng có nhiều tiềm năng. 

Huyện Mang Yang có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60,15%, chủ yếu là dân tộc Bahnar. Huyện lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng, nhà rông văn hóa, nhà rông truyền thống. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn lưu giữ nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa truyền thống như: Lễ hội đâm trâu; mừng lúa mới; cúng giọt nước; dệt thổ cẩm, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng, đan lát và hát dân ca. Là huyện có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống nên rất đa dạng về văn hóa. Bên cạnh đó, còn có thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ, trong lành.

Đây là những yếu tố rất thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, bởi loại hình du lịch này dựa vào các hoạt động thường ngày trong đời sống người dân là chủ yếu, du khách tham gia loại hình du lịch này có thể cùng người dân đi làm nương rẫy trỉa lúa, trồng khoai, hái rau, bẻ bắp; đi rừng, lội suối bắt cá, cua, …

Du lịch cộng đồng là vận động, tạo điều kiện để người dân trong cộng đồng tham gia các hoạt động du lịch, qua đó người dân có thu nhập và nhận được lợi ích từ hoạt động du lịch. Từ đó, họ sẽ đóng góp ngược lại để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Dựa trên tiêu chí đó, Mang Yang có rất nhiều yếu tố phù hợp như nhiều làng dân còn nghèo, nhiều nơi đang bị mai một văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Phát triển Du lịch cộng đồng sẽ giúp người dân thoát khỏi đói nghèo, đồng thời khôi phục những giá trị văn hóa đang dần mất đi. Đây sẽ là yếu tố tích cực góp phần làm giảm tác động của cộng đồng đến cảnh quan, thiên nhiên góp phần bảo tồn tài nguyên, môi trường đảm bảo cho phát triển du lịch bền vững.

Như vậy, phát triển Du lịch cộng không đòi hỏi đầu tư nhiều nhưng cần được quan tâm và biến nó trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch. 

Phát triển du lịch cộng đồng góp phần để cộng đồng dân cư nói chung, những người dân chưa có điều kiện trực tiếp tham gia vào các dịch vụ du lịch, được hưởng lợi từ việc phát triển hạ tầng du lịch (giao thông, điện, nước, bưu chính viễn thông, v.v.). Đây cũng sẽ là yếu tố tích cực để đảm bảo sự công bằng trong phát triển du lịch, một trong những nội dung quan trọng của phát triển du lịch bền vững.

Tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương, qua đó góp phần làm thay đổi cơ cấu, nâng cao trình độ lao động. Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần hạn chế được dòng di cư của cộng đồng từ khu vực nông thôn ra khu vực thành thị, ổn định xã hội.

Tạo điều kiện đẩy mạnh giao lưu văn hóa, giao lưu kinh tế giữa các vùng miền. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; đồng thời tạo cơ hội để phát triển kinh tế ở những vùng còn khó khăn, đảm bảo sự phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng nói riêng.

Với những tác động tích cực trên, việc đẩy mạnh phát triển du lịch nói chung, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát  huy các giá trị di sản văn hóa nói riêng sẽ có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU ngày 26/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai “về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, huyện Mang Yang  trong những năm qua đã và đang tập trung xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại làng Đê Kjiêng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Bahnar, triển khai loại hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái cùng điểm đến là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun. Sau 02 năm triển khai, bước đầu đã được sự quan tâm, hưởng ứng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn. Đến nay, đã đầu tư cho làng Đê Kjiêng một bộ cồng chiêng, với sự tham gia của nhân dân trong làng đã phục dựng lại Nhà rông truyền thống của làng, một số hộ dân đã cải tạo nâng cấp, sửa chữa một số hạng mục nhà ở trở thành nhà homestay phục vụ du khách lưu trú, các hoạt động văn hóa truyền thống như đánh cồng chiêng, múa xoang, lễ hội, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm; ẩm thực truyền thống, rượu cần, cơm lam, gà nướng và các trò chơi dân gian được người dân khôi phục, bảo tồn và phát huy.

Tuy nhiên, du lịch cộng đồng hiện nay vẫn đang là một lĩnh vực mới, nhiều khó khăn, thách thức với tỉnh Gia Lai nói chung và huyện Mang Yang nói riêng.

Khó khăn đầu tiên của việc phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi đó là cơ sở hạ tầng kỹ thuật (đường xá, điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc). Đây là khó khăn chung của đất nước, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Phát triển du lịch cộng đồng tại làng gặp khó khăn về quy hoạch phát triển, cần phải có nơi đón tiếp, nơi đỗ xe, nơi nghỉ trọ, nơi ăn, uống, nơi tham quan, nơi mua sắm hàng lưu niệm, nơi vệ sinh..v.v. Thực tế đã chứng minh, chúng ta phát triển du lịch cộng đồng một cách tự phát, chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển cụ thể nên còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một vấn đề khác được quan tâm hiện nay là đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại cộng đồng. Đây là một vấn đề lớn, nhưng nó phải xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương theo mục tiêu và định hướng phát triển du lịch. Mặt khác, thị trường khách du lịch đến tham quan điểm du lịch là một vấn đề cốt lõi cho việc hình thành các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch. Thực tế, vấn đề bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát triển du lịch tại địa phương chưa được triển khai đồng bộ và cụ thể khiến người dân lúng túng trong khâu tổ chức, sắp xếp một cách bài bản.

Tất cả những khó khăn thách thức và hạn chế trên đã làm cho du lịch cộng đồng chậm hình thành và phát triển, chưa tạo ra sức hút mạnh mẽ đối với khách du lịch đồng thời chưa khai thác hết tài nguyên du lịch tại điểm đến, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho người dân, đồng thời gìn giữ văn hóa truyền thống là điều rất cần thiết. Để loại hình du lịch này phát triển rất cần sự hỗ trợ đồng bộ từ các cấp, các ngành; đặc biệt cần nâng cao nhận thức của người dân trong việc gìn giữ tính nguyên bản, giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống. Cần phải có chiến lược phát triển du lịch theo hướng bền vững, chú trọng tăng cường tính văn hóa trong hoạt động du lịch. Để phát triển du lịch cộng tại địa phương trong thời gian tới cần quan tâm có một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, xây dựng cơ chế cụ thể nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động phát triển du lịch như hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Điều này không chỉ góp phần đảm bảo cho quy hoạch đi vào cuộc sống trên cơ sở những hiểu biết phong phú và cụ thể của cộng đồng đối với mảnh đất mà họ gắn bó, mà còn để cộng đồng hiểu được những gì sẽ biến đổi trên mảnh đất của họ; những gì họ có thể tham gia vào hoạt động phát triển du lịch để có được cuộc sống tốt hơn; và để cộng đồng có được sự chuẩn bị tốt hơn cho những công việc mới cùng với trách nhiệm bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình phát triển du lịch.

Thứ hai, nâng cao nhận thức của cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ các giá trị tự nhiên, văn hóa bản địa để đảm bảo cuộc sống của họ với những thu nhập họ có được qua việc tham gia vào hoạt động phát triển du lịch trên cơ sở khai thác những giá trị tự nhiên và văn hóa bản địa. Tăng cường phổ biến, giải thích các quy định hiện hành về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống đến cộng đồng.

Thứ ba, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương, đảm bảo tính đa dạng, đặc trưng của sản phẩm du lịch vùng miền nhằm níu giữ du khách ở lại lâu hơn, khả năng chi tiêu nhiều hơn và sẽ có mong muốn “quay lại”. Đồng thời, đảm bảo một phần từ thu nhập du lịch sẽ hỗ trợ cho cộng đồng và cho công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên môi trường, du lịch nơi diễn ra hoạt động du lịch với sự tham gia của cộng đồng.

Thực hiện được những nhiệm vụ, giải pháp trên, hy vọng trong thời gian không xa du lịch cộng đồng của huyện Mang Yang sẽ phát triển theo đúng định hướng đề ra.
                                                                                               
                                                                                                                Nguyễn Vững - Phòng VHTT

Các tin khác