Giới thiệu   |   Liên hệ 

Hãy chung sức gìn giữ cho tiếng cồng chiêng trường tồn với thời gian

05/05/2016
Đến thời điểm này, đọc tiêu đề “Hãy chung sức gìn giữ cho tiếng cồng chiêng trường tồn với thời gian” chắc chắn nhiều người cho rằng: “Không khác gì một khẩu hiệu tuyên truyền hô hào suông”! Nhưng với tôi! Hoàn toàn không phải vậy. Một khi tư duy của chính mình thẩm thấu đầy đủ ý nghĩa cội nguồn của vấn đề thì thật sự ta yêu quý nó đến đam mê. Có thể nói: Cứ ba năm lại một lần Ngành Văn hóa và Thông tin huyện rộn ràng, tấp nập lo toan mọi điều, huy động tài lực, vật lực để tổ chức tốt “Hội thi Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn huyện.


Từ ngày 26 – 27/4/2016 Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện Mang Yang lần thứ II năm 2016 đã tổ chức thành công. Tham dự hội thi có 12/12 xã, thị trấn với gần 500 nghệ nhân, vận động viên tranh tài ở 2 phần thi Văn hóa và Thể thao. Trong đó, phần thi Văn hóa có 5/12 đoàn nghệ nhân cồng chiêng đến từ 5 xã: Ayun, ĐăkDjrăng, H’ra, ĐăkYă và ĐăkTaley.
Đây là hoạt động Văn hóa, Thể thao nằm trong chuỗi sự kiện mừng đất nước 41 năm hoàn toàn thống nhất, chuẩn bị đẩy mạnh các các hoạt động nước rút tuyên truyền phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2020 đến với mọi tầng lớp nhân dân. Hội thi Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số của huyện mang đến những thông điệp đoàn kết gắn bó tình yêu quê hương, đất nước cho chúng ta ngập tràn niềm tin yêu về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại giữa những ngày tháng 4 lịch sử; đồng thời, đây cũng là hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc và nhân văn trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

Bản thân viết lên những dòng sự kiện này không phải vì là người từng làm lâu năm trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao của huyện, nhưng sự thật khi theo dõi tiết mục cồng chiêng “mừng lúa mới” của 50 nghệ nhân đến từ xã Ayun bản thân hầu như bị cuốn hút hoàn toàn và thẩm thấu được từng âm thanh nhẹ nhàng trầm bổng những điệu múa xoang của các nghệ nhân nữ uyển chuyển, đều đặn, nhịp nhàng, cảm nhận của bản thân như được quay về với thiên nhiên đại ngàn của vùng đất Tây nguyên hùng vĩ.

Kết thúc tiết mục cồng chiêng của đoàn nghệ nhân xã Ayun những tràng pháo tay vang lên không ngớt, kèm theo những tiếng hô đồng loạt của khán giả, quá tuyệt, quá hay, quá đồng đều và nhịp nhàng đến độ hoàn chỉnh như một, hòa quyện vào nhau tạo nên một bản sắc riêng biệt, độc đáo gây phấn khích cho người xem.

Đã nhiều năm rồi khán giả huyện Mang Yang mới được chứng kiến cồng chiêng trở lại sau một thời gian khá dài bị xao nhãn. Sao mà đáng yêu, đáng quý đáng trân trọng đến vậy. Trong tôi dâng lên nỗi niềm và phấn khích đến lạ, đúng là một kiệt tác và đã hiểu thêm ý nghĩa vì sao: Unesco công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2015.

Quả là vậy dù là một công dân xuất thân từ vùng biển miền Trung sau khi tốt nghiệp trường Kế hoạch II Đà Nẵng, thẳng tiến đến miền sơn cước lập nghiệp tại vùng đất đại ngàn Tây Nguyên từ thập niên 80 đến nay, giờ mới thẩm thấu được một phần giá trị sâu xa của âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng mà người Barnah luôn gìn giữ nó trong các lễ hội Đâm trâu, mừng lúa mới, bỏ mã…

Trong giai đoạn hiện nay tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Mang Yang nói riêng đang từng bước chuyển mình, hội nhập Quốc tế, trước những biến cố của cơ chế thị trường cuộc sống hiện đại đã và đang thôi thúc con người luôn luôn tiến về phía trước hòa nhập vào nền công nghiệp hiện đại để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhưng không thể vì thế mà chúng ta để tiếng cồng, tiếng chiêng lùi xa vào dĩ vãng, thưa dần trong đời sống hiện nay.
Chúng ta, các cấp, các ngành, hãy chung sức cùng ngành Văn hóa và Thông tin huyện bằng các biện pháp, các phương thức sáng tạo, vượt lên những khó khăn trước mắt, cùng với đồng bào dân tộc thiểu số phát huy truyền thống đoàn kết, giữ gìn bản sắc tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó bảo tồn và phát huy giá trị phi vật thể cồng chiêng, quyết tâm chung sức gìn giữ cho tiếng cồng, tiếng chiêng trường tồn với thời gian và không gian Tây Nguyên yêu quý của chúng ta.

Để duy trì được giá trị tinh thần của cồng chiêng, chúng tôi hiện là những người làm nhiệm vụ Văn hóa và Thông tin luôn mong muốn cấp Ủy, Chính quyền các cấp thật sự quan tâm, ưu tiên vô điều kiện các nguồn lực để tạo sức bật mới cho các nghệ nhân, duy trì, phát huy, lưu truyền cho các thế hệ trẻ, để mãi mãi trân trọng bảo tồn di sản Văn hóa cồng chiêng ở mỗi làng, mỗi xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Ngành Văn hóa và Thông tin tham mưu tích cực cho cấp Ủy, Chính quyền các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc, duy trì thường xuyên từ cơ sở đến huyện, ít nhất hai năm/1 lần tổ chức “Liên hoan cồng chiêng và hát dân ca” để qua đó phát hiện và ươm mầm những nghệ nhân tài năng trẻ.

Có được như vậy, việc đưa đoàn nghệ nhân của huyện tham gia Hội thi Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai hoặc khu vực thời gian tới, mới mong có nhiều cơ hội và tự tin để đạt được thành tích cao.

Hội thi Văn hóa Thể thao huyện trong một phạm vi hạn hẹp còn nhiều khó khăn, nhưng rất thành công, bởi qua hội thi đã phát đi những thông điệp đầy “huyền thoại” tiếng cồng, tiếng chiêng như vang mãi trong lòng chúng ta, hội thi thật sự thể hiện tinh thần đoàn kết, giao lưu giữa các dân tộc thiểu số trong huyện là sân chơi mang ý nghĩa sâu sắc và nhân văn.

Hãy chung sức gìn giữ cho tiếng cồng, tiếng chiêng trường tồn với thời gian./.
                                                                                                               
                                                                                                    Lê Sắc Tiên  - Phòng văn hóa và Thông tin

Các tin khác