Giới thiệu   |   Liên hệ 

Huyện Mang Yang với công tác kiểm kê và bảo tồn các giá trị của cồng chiêng

22/03/2021

Vừa qua, huyện Mang Yang đã hoàn thành xong công tác kiểm kê cồng chiêng trên địa bàn toàn huyện. So với năm 2008, lần kiểm kê này được thực hiện quy mô, cụ thể và chi tiết hơn, đánh giá đến từng bộ chiêng thuộc quyền sở hữu của ai, kích thước, trị giá, nguồn gốc, hiện trạng cồng chiêng đã và đang được sử dụng như thế nào. Như vậy, mục tiêu của đợt kiểm kê không chỉ là kiểm đếm số lượng mà còn đánh giá tổng quan về môi trường thực hành của cồng chiêng trong cộng đồng. Từ những thông tin, số liệu này, ngành Văn hóa và Thông tin huyện Mang Yang sẽ có những đề xuất liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn.


Theo kế hoạch, việc kiểm kê cồng chiêng trên địa bàn huyện được tiến hành từ tháng 3/2020 và kết thúc vào cuối năm 2020. Trên cơ sở các mẫu phiếu và hình ảnh kiểm kê của các xã, thị trấn gửi về, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát và thống kê lại số lượng toàn bộ cồng chiêng trên địa bàn huyện cùng các thông tin và hình ảnh, lưu trữ thành tài liệu của ngành.

Để làm tốt công tác kiểm kê cồng chiêng, Ủy ban nhân dân huyện Mang Yang đã thành lập Ban kiểm kê cồng chiêng, tham gia tập huấn công tác kiểm kê tại thành phố Pleiku do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức. Sau đó, tiến hành tổ chức tập huấn nghiệp vụ tại địa phương cho 12 công chức Văn hóa – Xã hội của 12 xã, thị trấn. Mỗi sản phẩm kiểm kê của từng bộ chiêng, bao gồm mẫu phiếu kiểm kê và ít nhất 02 hình ảnh về bộ chiêng và người sở hữu. Mẫu phiếu kiểm kê có từng cột, nội dung rất chi tiết, cụ thể, qua đó phân loại chiêng (chiêng quý, chiêng thường), nắm bắt nguồn gốc, hiện trạng của bộ chiêng, tên từng loại chiêng (ví dụ Yuan, Arap…), tên cá nhân/cộng đồng sở hữu, chiêng còn sử dụng được hay không, sử dụng trong những dịp nào (trong nghi lễ, sinh hoạt văn nghệ…). Ở phần ghi chú các nội dung khác có liên quan, người kiểm kê cũng được khuyến khích tìm hiểu thêm các thông tin như: tên những người biết đánh chiêng, chỉnh chiêng, người quản lý đối với bộ chiêng của tập thể, việc tách, nhập làng hoặc những thông tin khác mà người kiểm kê cho là cần thiết. Đáng chú ý là đợt kiểm kê này có sự hỗ trợ của thiết bị chụp hình chất lượng cao, có thể được sử dụng lâu dài, hiệu quả.

Kết quả trên địa bàn huyện Mang Yang hiện còn 50/80 thôn, làng, tổ dân phố còn lưu giữ cồng chiêng với tổng số 158 bộ chiêng. Xã còn lưu giữ nhiều bộ chiêng nhất: Thị trấn Kon Dơng (22 bộ). Xã còn lưu giữ ít bộ chiêng nhất: Xã Đak Ta Ley (02 bộ). Trong đó:

+ 152 bộ chiêng của đồng bào Bahnar và 06 bộ chiêng của đồng bào khác.
+ 1.302 chiêng bằng, 1.858 chiêng núm.
+ 80 bộ chiêng có nguồn gốc gia đình/dòng họ để lại; 70 bộ chiêng tự mua/trao đổi; 05 bộ chiêng được tặng/cho; 03 bộ chiêng có nguồn gốc khác.
+  71 bộ chiêng có hiện trạng tốt, 84 bộ chiêng hiện trạng bình thường và 03 bộ đã bị hư hỏng.
+ 71 bộ chiêng được dân làng sử dụng thường xuyên, 68 bộ chiêng ít được sử dụng và 19 bộ chiêng không sử dụng.

Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mang Yang đã phối hợp với các địa phương hoàn tất công tác kiểm kê cồng chiêng và báo cáo số liệu về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai. Kết quả từ việc rà soát, kiểm kê cồng chiêng năm 2020 sẽ là cơ sở dữ liệu hết sức quan trọng để huyện Mang Yang tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong nhịp sống hiện đại./.

                                                                                                         Nguyễn Vững - P.Văn hóa và Thông tin
 

Các tin khác