Giới thiệu   |   Liên hệ 

Mang Yang: Bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

16/02/2020

Là huyện nằm ở phía đông tỉnh Gia Lai, Mang Yang được biết tới là địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Những năm gần đây, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang thúc đẩy du lịch phát triển.

Huyện Mang Yang có 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60,15%, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc  Bahnar (chiếm gần 56% dân số toàn huyện). Hiện nay, huyện Mang Yang còn lưu giữ được 215 bộ cồng chiêng, 72 nhà rông văn hóa, nhà rông truyền thống. Đặc biệt, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện còn lưu giữ nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa truyền thống như: Lễ đâm trâu; mừng lúa mới; cúng giọt nước; dệt thổ cẩm, tạc tượng, chế tác nhạc cụ dân tộc, chỉnh chiêng và đan lát, hát dân ca … Nhận thấy đây là một thế mạnh lớn, có sức thu hút đối với khách du lịch, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn  gắn với thúc đẩy phát triển du lịch.  Trao đổi với chúng tôi ông Võ Văn Sơn – Trưởng phòng Văn hóa Thông tin  huyện Mang Yang cho biết “Trong những năm qua, huyện Mang Yang đã có nhiều nỗ lực trong công tác đầu tư xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa của địa phương. Từng bước hình thành các mô hình du kịch cộng đồng tại các làng Đê Ktu(Thị trấn Kon Dơng), làng ĐêKjêng(xã Ayun).Phòng Văn hóa thông tin huyện phối hợp với các ngành hỗ trợ cho người dân tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao nhận thức của người dân về việc tham gia vào họat động du lịch(kỹ năng phục vụ du khách, chế biến các món ăn truyền thống đảm bảo vệ sinh, hướng dẫn du khách trải nghiệm, thưởng thức các sản phẩm du lịch…”

 Để phát huy bản sắc văn hóa và thế mạnh du lịch của địa phương, huyện Mang Yang đã tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái cùng điểm đến là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tại làng Đê Kjiêng, xã Ayun. Theo đó, huyện đã đầu tư cho làng ĐêKjiêng mua một bộ cồng chiêng, xây dựng nhà rông truyền thống và tạo điều kiện cho 5 hộ đồng bào người Bahnar trong làng xây dựng homestay để phục vụ cho du khách lưu trú  khi đi tuor.

Đặc biệt mới đây, UBND huyện Mang Yang đã tổ chức phục dựng Lễ cúng lên nhà rông mới ở làng ĐêKjiêng, xã Ayun. Để khởi động cho hoạt động này, xã Ayun đã tổ chức hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, các nghệ nhân, đồng bào ở các làng trên địa bàn xã vô cùng phấn khởi, vì thông qua hội thi và lễ phục dựng cúng nhà rông mới các nghệ nhân có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và quan trọng hơn để  du khách biết đến nét văn hóa độc đáo của người Bahnar nơi đây và cũng là dịp quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương. Bà Hoàng Thị Lan Anh – Phó chủ tịch UBND huyện cho biết“UBND huyện Mang Yang phối hợp với Nhà hát ca múa nhạc Đam San tổ chức phục dựng nghi lễ cúng lên Nhà rông mới của đồng bào Bahnar. Qua lễ hội này nhằm mục đích tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Đồng thời góp phần quảng bá văn hóa bản sắc của người Banah tại địa phương. Chúng tôi cũng muốn qua đây cũng muốn quảng bá hình ảnh, góp phần phục vụ cho công tác phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới”.

Là một trong những người tham gia Hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số do xã tổ chức, nghệ nhân Ram, làng Blei Bông xã Ayun, huyện Mang Yang  chia sẻ “Tham gia hội thi văn hóa, bà con trong làng, trong xã được giao lưu vui vẻ rất đoàn kết. Chúng tôi sẽ truyền dạy cho con cháu, thanh niên thiếu nhi làm theo mình để không bỏ truyền thống của dân tộc trước đây mà phải ôn lại, phải giữ văn hóa truyền thống dân tộc như nhạc cụ, gùi, đàn tơ nưng…”

         Ông Võ Ngọc Tuấn – Bí thư Đảng ủy – Trưởng ban tổ chức Hội thi văn hóa các dân tộc thiểu số xã Ayun cho biết thêm  “Đây là lần đầu tiên xã tổ chức. Đối với xã, Hội thi lần này rất thành công. Tại vì 5 làng chúng tôi phát động thi, với 11 nội dung thi. Trong đó, các bộ môn văn hóa vật thể, phi vật thể, các làng đều tham gia đầy đủ hết. Các sản phẩm từ hội thi được trưng dụng hết để phục vụ cho công tác phát triển du lịch. Người dân mừng lắm”.

         Cùng với việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và phục hồi phát huy bản sắc văn hóa về nghi lễ nghề truyền thống, huyện Mang Yang còn khuyến khích, lưu truyền các loại hình nghệ thuật dân gian như các bài hát dân ca, trường ca, các điệu hát ru, trang phục dân tộc. Đặc biệt là văn hóa cồng chiêng. Những món ăn đậm nét văn hóa ẩm thực truyền thống của những con người gắn bó với núi rừng như: cơm lam, thịt nướng, Rượu cần…Công tác nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian được đẩy mạnh bởi bản sắc văn hóa truyền thống có mối quan hệ và ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch của địa phương phát triển. Nhờ đó, lượng du khách đến tham quan trải nghiệm tại địa phương này càng tăng. Trong năm 2018 và 2019 đã có 340 lượt khách nước ngoài và hàng ngàn lượt khách trong nước đến tham quan.

         Bảo tồn văn hóa là nền tảng quan trọng thúc đẩy du lịch trên địa bàn huyện Mang Yang phát triển. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống để tạo thành điểm nhấn độc đáo, ấn tượng thu hút du khách – Ông Võ Văn sơn, trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện cho biết thêm./.
 
                                                                                                                 Thanh Xuyên   - TTVHTTTT            

Các tin khác