Giới thiệu   |   Liên hệ 

THIẾT KẾ CHÍNH SÁCH GIÚP DÂN THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

11/06/2014
Theo Báo cáo của Chính phủ, thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cả nước đã giảm mạnh, đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn đánh giá, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Đáng ngại nhất là tỉ lệ tái nghèo tương đối cao (bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 hộ tái nghèo  do hậu quả thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh…). 

Người nghèo thoát nghèo không bền vững bởi lý do khách quan như bệnh dịch, thiên tai, tuy nhiên vẫn có nguyên nhân chủ quan khiến nhiều hộ nghèo không thoát nghèo bền vững đó là, có quá nhiều chính sách giảm nghèo dẫn đến nguồn lực bị phân tán, hiệu quả tác động đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ rệt. Trong khi đó các chính sách cho giảm nghèo lại chồng chéo, trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đặc biệt, trong thiết kế chính sách giảm nghèo, vấn đề tạo sinh kế cho người dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tại Hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, do chính sách đầu tư phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo chưa nhiều, suất đầu tư thấp trong khi đó việc phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và các tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên nhất là trong xây dựng chính sách, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo dẫn đến tình trạng thoát nghèo không bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Sèn Chỉnh Ly than thở: Có quá nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo do nhiều bộ ngành trung ương nắm nên khó cho địa phương trong việc triển khai. Đề nghị khi ban hành chính sách cần có khảo sát thực tế để bảo đảm tính khả thi, nên tích hợp thành một chính sách cho người nghèo và không nên giao cho nhiều bộ ngành để tránh trùng lắp, chồng chéo.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm đề xuất, thời gian tới, cần phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng ưu đãi với đối tượng là hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo nhằm hạn chế tái nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững.  Các chính sách được thiết kế phải tương đồng về mức hỗ trợ và cơ chế thực hiện, hộ nghèo được ưu tiên nhất, sau đó đến hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo, nhất là phải quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. "Cần giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp "cho không” đối với một số nhóm cụ thể, đồng thời tăng dần các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, khuyến khích người nghèo tự chủ vươn lên thoát nghèo”- ông Đàm đề xuất. 

Ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác giảm nghèo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, chính sách đang còn mang tính cào bằng, chưa khuyến khích người dân tự thoát nghèo; tỷ lệ tái nghèo cao, thoát nghèo chưa bền vững… Vì vậy, cần phải giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn; thực hiện toàn diện, trên tất cả các địa bàn, trong đó chú trọng những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành phải rà soát, gom các chính sách lại để dễ thực hiện, tránh chồng chéo, trùng lắp, nhưng không làm gián đoán việc thực hiện các chính sách đang hiện hành; đồng thời loại bỏ những chính sách không còn phù hợp.

                                                                                          Lê Hữu Phong (Sưu tầm theo Báo đại đoàn kết)

Các tin khác