Giới thiệu   |   Liên hệ 

Mang Yang chú trọng phát triển lâm nghiệp bền vững

16/06/2022
Mang Yang là huyện có diện tích tự nhiên là 112.718,21 ha, trong đó diện tích đất có rừng là: 50.639,24 ha, chiếm khoảng 44,93% tổng diện tích tự nhiên của huyện. Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp; phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các-bon từ rừng; góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.
UBND huyện Mang Yang vừa ban hành Kế hoạch phát triển lâm nghiệp năm 2023.

Theo kế hoạch, để thực hiện tốt chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện Mang Yang sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trên lâm phần được giao quản lý, làm tốt công tác PCCCR; bảo tồn và duy trì các hệ sinh thái rừng cũng như động, thực vật trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; Bảo vệ và phát triển toàn bộ diện tích rừng hiện có; phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng chung cho toàn huyện đạt trên 44,93%, trồng mới ít nhất 100 ha rừng trồng tập trung. Giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng đạt ít nhất 99% diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND xã đang quản lý; Nâng cao chất lượng rừng tự nhiên... Nghiên cứu và xây dựng các dự án phát triển lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học, đa dạng nguồn gen động thực vật rừng. Tăng cường công tác khuyến lâm, hướng dẫn người dân áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào các khâu trồng, khai thác, chế biến, bảo quản trong sản xuất lâm nghiệp, từng bước hiện đại hóa công tác quản lý trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin. Nghiên cứu, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng rừng và sản phẩm của một số loài cây dược liệu dưới tán rừng. Phát triển lâm nghiệp theo hướng gắn với các hệ thống nông lâm kết hợp và hài hòa với các ngành khác./.
                                                                                                                            Minh Hiển - TTVHTT

Các tin khác