Giới thiệu   |   Liên hệ 

Duy trì sỹ số học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số “Bài toán khó”

10/04/2013
          Huyện Mang Yang là một trong những huyện có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn của tỉnh Gia Lai, tỉ lệ người đồng bào DTTS chiếm gần 62% tổng dân số, đời sống kinh tế khó khăn, mặt bằng dân trí chưa đồng đều dẫn đến nhận thức về lợi ích do giáo dục mang lại của người dân còn hạn chế, đây là một trong những thách thức lớn cho công tác giáo dục. Khó khăn nhất của ngành Giáo dục – Đào tạo nói chung và nhà trường nói riêng đó là nhiệm vụ duy trì sỹ số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số vào thời gian sau Tết Nguyên đán cho tới hết năm học, nhằm đảm bảo chất lượng năm học, duy trì bền vững công tác phổ cập giáo dục tại địa phương.

          Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao năng lực, trình độ dân trí cho người dân và đặc biệt ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện, UBMTTQVN huyện, các cấp, các ngành cũng đã đưa ra những Nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm tăng tỷ lệ học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục, thể hiện rõ nét nhất là Nghị quyết số 07- NQ/HU ngày 26/8/2011 của Ban chấp hành đảng bộ huyện khóa XV về nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2011-2015, kế hoạch phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia của UBND huyện, các biện pháp của Đảng ủy, UBND cấp xã. Công tác đầu tư phát triển trường, lớp và đội ngũ giáo viên đã có bước phát triển tích cực, rõ nét, mạng lưới trường, lớp có tận tới các điểm làng, không còn phòng học tạm, trang thiết bị dạy học khá đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu dạy và học cho mỗi cấp học. Đến nay toàn huyện có 42 trường học với 596 lớp, 16.502 học sinh (trong đó 9.576 HSDTTS, chiếm tỷ lệ 58,0%).
          Tuy nhiên, công tác duy trì sỹ số vẫn chưa có bước chuyển biến rõ nét, vào dịp sau tết Nguyên Đán cho đến hết năm học, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn nghỉ học nhiều (dao  động từ 30%-45%), chủ yếu là học sinh bậc THCS, THPT.
          Qua điều tra, tìm hiều cho thấy thời gian này diễn ra nhiều lễ hội tại các làng, độ tuổi học sinh THCS đang trở thành lực lượng lao động chính trong gia đình, điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức về giáo dục thấp, “tấm gương” để học theo hầu như không có. Với nhiệm vụ giải quyết bài toán kinh tế khó khăn trước mắt, nhiều gia đình đã cho con nghỉ học để phụ giúp gia đình chỉ đơn giản là “tìm cái ăn trước đã”. Với suy nghĩ như vậy thì cái vòng luẩn quấn không biết khi nào kết thúc. Hơn 30 năm sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, 12 năm sau khi tách huyện, đến nay mới chỉ có số ít học sinh DTTS vào đại học, cao đẳng, số đang học đại học chủ yếu là cử tuyển. Đất nước đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trình độ học vấn, trình độ chuyên môn là yếu tố quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên đã số ĐBDTTS chưa nhận thức đầy đủ được.
        Từ thực tế trên các cấp, các ngành phải, nhất là ngành GD&ĐT đã đề ra nhiều chương trình, biện pháp tập trung cho công tác duy trì sỹ số, đặc biệt là duy trì sỹ số học sinh ĐBDTTS vùng khó khăn. Qua gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/HU, đến nay đã có một vài tín hiệu tích cực. Trong năm học 2011-2012 đã có 2 học sinh giỏi cấp huyện là người DTTS. Qua đợt kiểm tra công tác duy trì sỹ số sau Tết Nguyên đán 2013 có những đơn vị trường đã làm tốt công tác duy trì sỹ số như: Đăk Trôi, Lơ Pang.

 
   

Buổi sinh hoạt tập thể trường TH&THCS Đăk Trôi
 
          Để đạt được kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương là ý thức trách nhiệm và sự tâm huyết đối với nghề của đội ngũ cán bộ, giáo viên. Thầy Nhữ Văn Thanh – Hiệu trưởng trường THCS Kon Chiêng cho biết: không thể “đơn phương” thực hiện tốt nhiệm vụ trên mà cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Hiện tại có rất nhiều chế độ, chính sách cho vùng sâu, vùng khó khăn nhưng thực hiện chưa thực sự đồng đồng bộ, nên hiệu quả chưa cao.
          Để đảm bảo sự phát triển trường lớp, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục và thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 07- NQ/HU. Bài toán trước mắt là tập trung phát triển kinh tế đi đôi với giải phóng sức lao động. Khi triển khai các chương trình, dự án cần ưu tiên đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ kinh phí mua sắm nông cụ cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời ngành GD&ĐT, có nhiều giải pháp hơn nữa để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên vùng ĐBDTTS yên tâm công tác./.
                                                                                                                                 Phòng GD&ĐT huyện

Các tin khác