Giới thiệu   |   Liên hệ 

Mô hình phát triển kinh tế “Nuôi heo rừng” đang gặp khó khăn trong đầu ra sản phẩm

04/06/2014
Mô hình phát triển kinh tế “Nuôi heo rừng” của gia đình ông Nguyễn Hồng Phước ở xã Ayun huyện Mang Yang đang phát triển rất tốt. Ấy nhưng đầu ra của sản phẩm lại gặp rất nhiều khó khăn khiến cho mô hình có nguy cơ thu hẹp.

Cách đây 5 năm, trong chuồng nhà ông có hơn 100 con heo rừng lai F1, trong đó có hơn chục con đang trong thời kỳ sinh sản. Năm nào ông cũng cung cấp hàng chục con heo giống cho các hộ dân trong vùng để phát triển mô hình. Số heo đực không làm giống, loại ra được nuôi để bán thịt cho các lái buôn trong và ngoài huyện. Giá thành của một con heo giống F1gấp 2 đến 3 lần giá thành của một con heo giống lai trên thị trường. Nhân dân trong vùng từ người Kinh đến người Bahnar đổ sô đến mua, mỗi gia đình mua từ 2 đến 5 con về làm giống. Mô hình chăn nuôi heo rừng ngày một phát triển và đem lại kinh tế khá cao cho nhân dân trong vùng.

Được biết, năm 2008, mô hình nuôi heo rừng ở huyện Mang Yang được chính quyền triển khai trong các hộ dân trên địa bàn với phương thức hỗ trợ 60% giá trị con giống, song chẳng ai dám nhận mua giống để phát triển, bởi đây là mô hình còn quá mới mẻ, hơn nữa tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc gần như năm nào cũng tái diễn ở nhiều mức độ khác nhau, gây thiệt hại về kinh tế đối với người chăn nuôi. Tuy nhiên, gia đình ông Nguyễn Hồng Phước đã mạnh dạn bỏ ra 15 triệu đồng mua 4 con heo rừng giống của dự án để nuôi. Trên thửa đất vườn 500 m2, ông Phước đã đầu tư xây dựng tường rào bằng lưới thép kiên cố cao 2m để nuôi nhốt theo đặc tính tự nhiên của loại heo rừng này. Ông tận dụng một số loại sản phẩm cây trồng sẵn có trên địa bàn để làm thức ăn cho heo rừng như khoai lang, cây chuối, mì lát, bèo lục bình..., đàn heo đã mau chóng thích nghi và phát triển nhanh. Để phát triển đàn heo tăng nhanh và có đủ giống cung cấp cho bà con có nhu cầu chăn nuôi theo mô hình này. Ông Phước đã chủ động tìm đến những nơi nuôi heo rừng để học tập kỹ thuật phát triển đàn, đúc kết kinh nghiệm từ thực tế để nuôi có hiệu quả. Ông tìm hiểu từ khâu chọn thức ăn cho đàn heo, đến khâu xây dựng chuồng trại, quan trọng nhất vẫn là khâu chăm sóc cho heo đến thời kỳ sinh sản.
Đàn heo rừng mới 1 tháng tuổi

Ông Phước cho biết: Heo rừng sinh sản bình quân một năm 2 lứa, mỗi lứa từ 10 - 14 con và có giá trị kinh tế rất cao. Cái khó nhất là kỹ thuật chăm sóc cho heo đẻ, ban đầu chưa có kinh nghiệm nên khi heo đẻ ra, đàn con bị chết nhiều do nhiễm bệnh. Đặc tính của heo rừng là đẻ tự nhiên, không cần sự can thiệp của bàn tay con người như các giống heo khác; hơn nữa môi trường xung quanh phải sạch sẽ và thoáng mát, đàn heo phải được chạy nhảy thoải mái trong khuôn viên chuồng.

Thấy gia đình ông Phước nuôi heo rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tại khu vực trung tâm huyện Mang Yang đã có hàng chục hộ gia đình đầu tư chăn nuôi heo rừng và đến mua giống, học tập kỹ thuật chăn nuôi tại nhà ông Phước. Đến nay số đàn heo trong khu vực trung tâm huyện đã tăng nhanh, nhưng đầu ra của sản phẩm lại bị tắc ngẽn.

Nguyên nhân:
Do số heo cái để làm giống như trước kia bán đắt gấp 2-3 lần giá heo thịt, thì giờ đây không bán theo giá heo giống được nữa mà phải bán theo giá heo thịt.

Do số lượng mô hình ngày một phát triển, giá vật tư chăn nuôi tăng cao, tư thương trong vùng mua heo thịt ép giá…
Đầu ra cho sản phẩm nhỏ lẻ, chưa có cơ sở kinh doanh lớn nào về hợp đồng thu mua sản phẩm.
Từ đây, bà con nhân dân một phần chán nản muốn chuyển qua mô hình chăn nuôi khác.
Đàn heo rừng đã đến thời kỳ xuất chuồng
 
Để tháo gỡ đầu ra của sản phẩm:
Các hộ gia đình cần tăng cường công tác tìm đầu ra của sản phẩm, cải tiến kỹ thuật chăn nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường phát triển đàn heo thịt nhằm hạ thấp giá thành heo rừng thịt gần tương đương với giá thịt heo lai trong thị trường.

Chính quyền địa phương có trách nhiêm can thiệp với Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng có chính sách ưu đãi cho các hộ gia đình vay vốn, ra hạn vay để duy trì và phát triển đàn heo.

Các cấp, các ngành có liên quan cần giúp đỡ các hộ chăn nuôitìm đầu ra và nguồn xuất khẩu heo thịt. Có như vậy, mô hình chăn nuôi heo rừng của địa phương mới phát triển bền vững và tồn tại được./.
( Bài viết có sử dụng một vài hình ảnh của đồng nghiệp)
                                                                                                                                     LÊ HỮU PHONG

Các tin khác