Giới thiệu   |   Liên hệ 

Mang Yang - Điểm đến của du lịch văn hóa

16/01/2014
           Vùng đất Mang Yang là cơ hội cho mọi người đam mê du lịch dã ngoại. Đi và trải nghiệm trên những nẻo đường với những hành trình khám phá thú vị trên mỗi vùng đất. Đến với mảnh đất Mang Yang, quí vị và các bạn cũng có thể khám phá một vài điểm du lịch tuy chưa nổi tiếng nhưng cũng đủ để quý vị và các bạn thỏa sức đam mê, thoát khỏi vòng quay hối hả nơi phố phường đông đúc để về với vùng quê yên ả, thanh bình. Chúng tôi giới thiệu đến quí vị và các bạn một vài điểm du lịch trên địa bàn huyện MangYang qua bài viết sau:
 
           Ai đã một lần đến với MangYang-vùng đất được coi là “Cổng trời”- nơi cửa ngõ của huyện Mang Yang sẽ khó có thể quên được đất và người nơi đây. Không giàu có, sầm uất, chưa có những tòa nhà cao tầng hay những khu đô thị mới,Mang Yang không thu hút du khách bằng những nét phổ biến của đa phần những địa phương khác.Trầm lặng và dịu dàng, điều đầu tiên người ta có thể cảm nhận ở Mang Yang chính là nét thanh cao của vùng đất với bạt ngàn những khu đồi thông tuổi trung niên và đặc biệt là loài hoa dã quỳ (cúc quỳ) sặc sở trong ánh nắng vàng gắt.
 
           Mang Yang được bắt đầu với con đèo Mang Yang ngoằn ngoèo uốn lượn dịu dàng như suối tóc trời. Tầm mắt con người cũng có thể trải dài vô tận trên đỉnh đèo là mùa khô hay mùa mưa. Đứng trên đỉnh đèo, du khách vẫn có thể cảm nhận hết sự hùng vĩ, nét thanh cao của những triền núi trập trùng, những cánh rừng bạt ngàn,ngút tầm mắt.
             Một địa danh không thể thiếu trong lộ trình của du khách còn phải kể đến là khu bảo tồn thiên nhiên KonKaKinh. Ở đây, có 652 loài thực vật quý hiếm,điển hình là pơmu, trên 450 loài thú, chim, bò sát, ếch nhái và bướm quý. Đây cũng là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, lại có nhiều quang cảnh đẹp như các kiểu sinh thái trên rừng núi trải rộng theo vành đai cao từ 700- 1748m. Với nhiều loài cầm, thú quý hiếm,những con thác đổ hào hùng không biết mệt, Konkakinh đã được công nhận là Vườn Di sản ASIAN vào năm 2004. Ông Ngô Văn Thắng P.Giám đốc vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nói về những dự án trong việc xây dựng khu du lịch sinh thái tại vườn QG Kon Ka Kinh như sau: Cho đến thời điểm này, thì du lịch sinh thái của vườn vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu, các chương trình phục vụ du lịch sinh thái đang được đầu tư xây dựng như: Đường mòn tuần tra; tổ chức khảo sát các khu vực có cảnh quan để đưa vào khai thác du lịch sinh thái (DLST); thành lập khu trung tâm giáo dục môi trường và DLST; xúc tiến, phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch để xây dựng phương án phát triển DLST cho vườn gắn với phát triển Du lịch của tỉnh; các công trình DLST gắn với nghiên cứu khoa học…

           Đến vớiMang Yang du khách còn được thưởng thức vẻ đẹp của những điểm Du lịch khác như thác Lồ ô - con thác là niềm tự hào của người dân địa phương bởi nét hoang sơ và cả sự hiểm nguy huyền bí. Khu bãi đá trải…Những đồi thông xanh mướt, khỏe khoắn ở tuổi đôi mươi…Gọi là “Điểm du lịch”là cách viết của tác giả, chứ thực tế, những địa danh này mới chỉ là những khu tham quan, ngắm cảnh. Nó chỉ có thể trở thành địa danh du lịch khi được đầu tư thích đáng về cơ sở, phương tiện phục vụ. Tuy chưa xứng đáng với tầm cỡ những địa danh du lịch nhưng những địa danh trên đây chính là nơi hội tụ của vẻ đẹp tự nhiên mà thiên nhiên đã ban tặng cho đất và người Mang Yang. Năm 2009, UBND huyện Mang Yang đã khởi động những bước đi đầu tiên thể hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích sự đầu tư của các doanh nghiệp, cá nhân vào lĩnh vực này. Đoàn lãnh đạo huyện đã tổ chức nhiều đợt đi thực địa để khảo sát, đánh giá thực tế tiềm năng, tìm biện pháp đầu tư, khai thác lợi thế.
            Ngoài ra, huyện Mang Yang còn có một điều đã và đang thu hút đông đảo khách thập phương đến với Mang Yang chính là  nét văn hóa bản địa: Văn hóa cồng chiêng. Đây dường như là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp. Ở đó,có sự gắn bó mật thiết giữa văn hóa vật thể và phi vật thể. Nó là sự gắn bó giữa làng văn hóa, nhà rông văn hóa, những bộ thổ cẩm có hoa văn và cả những điệu múa xoang truyền thống, với những lễ hội, những bài Hơri,Hơmon bất tận…Làng Đe Ktu thị trấn Kon Dơng là điểm du lịch chứa đựng hầu như nguyên vẹn những nét văn hóa đặc sắc đó. Làng  có một đội văn nghệ gồm 14 người là những chàng trai, cô gái Bah Nar chuyên biểu diễn những bài hát cải tiến và truyền thống. Họ mặc trên mình những bộ trang phục sặc sỡ và đi chân trần mộc mạc. Bên cạnh những điệu múa truyền thống và những bài hát quen thuộc, đội văn nghệ còn được đào tạo bài bản bởi chính những nghệ sĩ đích thực do công ty du lịch mời về luyện tập. Tuy chưa thực sự đạt mức chuyên nghiệp, nhưng cũng đủ cho du khách cảm nhận được vẻ đẹp, nét tinh túy của văn hóa bản địa. Trong những chương trình biểu diễn văn nghệ, khách du lịch sẽ được múa xoang với người bản địa, được thưởng thức thú ẩm thực ăn cơm lam, uống rượu cần và nhâm nhi vài cây thịt nướng. Sau khi đã tham dự đầy đủ chương trình này, cũng là lúc lòng người và hơi men cùng chếnh choáng theo những  vòng xoang bất tận…Đó là cái thu hút du khách thập phương khi đến nơi đây. Hiện nay, làng đã được chọn để xây dựng làng văn hóa truyền thống tiêu biểu có tầm cơ Quốc gia, sẽ được đầu tư khoảng 2 tỷ để phát triển thêm các hạng mục văn hóa phù hợp. Hàng năm, làng Đe Ktu đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm quan, tìm hiểu văn hóa truyền thống của người dân. Ông Khul, Trưởng thôn cho biết: “Làng Đê Ktu chúng tôi được công nhận là làng văn hóa du lịch. Người dân trong làng đang ra sức thi đua, lao động sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình, cho làng ngày càng khang trang. Làng chúng tôi đã có 1 đội văn nghệ đánh cồng chiêng, múa xoang phục vụ du khách đến tham quan. Đa số du khách đến tham quan đều rất hài lòng”

           Tuy nhiên, để phát huy những giá trị truyền thống lâu đời này,làm điểm tựa vững chắc cho ngành kinh tế du lịch trong tương lai ở huyện ta, cần có sự quan tâm đầu tư bài bản hơn về các dịch vụ ngay tại địa phương. Cần có chế độ quản lý, cần tạo ra một đội ngũ những nghệ nhân chuyên để phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách và có chế độ đãi ngộ cụ thể. Họ chắc chắn phải là người bản địa, người dân trong làng. Không những kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền, còn cần một cơ chế quản lý chặt chẽ hơn nữa những sản phẩm truyền thống. Không để xảy ra thất lạc đồ quý hiếm như cồng chiêng, chum ché, đồ đồng…
           Trong mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2015 của huyện ta, bằng việc tăng cường các biện pháp thực hiện tốt Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 26/8/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Khóa XIII) về phát triển du lịch, huyện ta phấn đấu tăng số lượt khách du lịch bình quân hàng năm từ 10-15%, doanh thu từ ngành công nghiệp không khói này chiếm từ 7- 10% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020 trong cơ cấu ngành dịch vụ của huyện.  Hi vọng trong tương lai không xa, với những tiềm năng vốn có của một vùng đất được thiên nhiên ban tặng, cùng với sự đầu tư thích đáng của huyện MangYang sẽ là một điểm đến thú vị của du khách thập phương./.
 
                                                                                                     V: Thanh Thủy ( Đài TT-TH MangYang)
 
 
         
 

Các tin khác