Giới thiệu   |   Liên hệ 

Huyện Mang Yang: Quan tâm giải pháp giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số

22/06/2022
Là địa phương có  tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 60% dân số, để góp phần thực hiện chính sách dân tộc theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), những năm qua, huyện Mang Yang đã quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực vào công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS.
TĂNG CƯỜNG HỖ TRỢ SẢN XUẤT
Huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và các xã, thị trấn tích cực thực hiện công tác giảm nghèo; xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề về giảm nghèo, đề ra mục tiêu giảm nghèo hàng năm, trên cơ sở đó triển khai thực hiện hiệu quả. Các cơ quan chuyên môn thường xuyên triển khai, hướng dẫn, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn.
ANH-THANH-NHAT-Hoi-phu-nu-xa-Lo-Pang-tuyen-truyen-Cuoc-van-đong-Lam-thay-đoi-nep-nghi,-cach-lam-trong-đong-bao-DTTS-đe-tung-buoc-vuon-len-thoat-ngheo-ben-vung”-DSCN1258.JPG
Hội phụ nữ xã Lơ Pang tuyên truyền Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ,
cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững (ảnh Thanh Nhật)

 
Được biết trong giai đoạn 2016 - 2021, ngoài kinh phí đầu tư thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất hơn 11,7 tỷ đồng, huyện đã giải ngân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gồm 94 công trình xây dựng mới ở các xã và làng đặc biệt khó khăn, đồng thời triển khai các dự án hỗ trợ con giống, xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất cây cà phê, tại các xã Hà Ra, Ayun, Đak Ta Ley, tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến các mô hình sản xuất chăn nuôi, góp phần tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
ANH-THANH-NHAT-Uy-ban-MTTQ-Viet-Nam-huyen-Mang-Yang-trao-tang-bo-sinh-san-cho-ho-ngheo-DTTS-tai-xa-Đak-Troi-DSCN2481.JPG
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang 
trao tặng bò sinh sản cho hộ nghèo DTTS tại xã Đak Trôi  (ảnh Thanh Nhật)
 
Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch Hội nông dân huyện cho biết: “Các ngành và đơn vị liên quan đã cùng cấp hội cơ sở mở 27 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, giúp bà con áp dụng phương thức canh tác mới, tái canh cà phê bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, sản xuất theo tiêu chuẩn, tổ chức tập huấn cho hơn 9.750 lượt nông dân, tín chấp giúp nông dân mua hơn 1.000 tấn phân bón trả chậm. Hội còn phối hợp thành lập được 8 mô hình nông hội với 171 hội viên và tổ hội nghề nghiệp với 106 thành viên. Phối hợp tuyên truyền vận động hội viên, nông dân tham gia các dự án liên kết sản xuất lúa gạo, trồng chanh dây nguyên liệu cho các nhà máy, triển khai dự án nuôi dê bách thảo và bò lai sinh sản...”.
ANH-THANH-NHAT-MTTQ-Viet-Nam-huyen-Mang-Yang-trao-nha-đai-đoan-ket-cho-ho-ngheo-DTTS-kho-khan-ve-nha-o-tai-xa-Lo-Pang-DSCN6810.JPG
MTTQ Việt Nam huyện Mang Yang trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
DTTS khó khăn về nhà ở tại xã Lơ Pang (ảnh Thanh Nhật)
 
Các chương trình tín dụng chính sách cũng được quan tâm triển khai. Hàng năm, các ngành liên quan của huyện, ban chỉ đạo giảm nghèo các xã tổ chức khảo sát lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đề xuất bổ sung, điều chỉnh chỉ tiêu nguồn vốn kịp thời. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng đã triển khai giải ngân, nhanh chóng đưa vốn đến đúng tay người thụ hưởng. Qua đó, dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt gần 315 tỷ đồng. Riêng dư nợ 3 chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo hơn 170 tỷ đồng, chiếm 54% trong tổng dư nợ, dư nợ hộ dân tộc thiểu số chiếm 56% tổng dư nợ.

Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ khó khăn đã từng bước vươn lên ổn định cuộc sống. Tiêu biểu về thoát nghèo như gia đình ông Bring ở làng Đak Trok xã ĐakYa, trước đây là hộ nghèo đã được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng, đầu tư trồng cà phê và mua 2 con bò cái sinh sản để tăng thêm thu nhập và có nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất và chăn nuôi, kinh tế dần ổn định, năm 2018 hộ ông Bring đã thoát nghèo. Ông tiếp tục vay vốn theo chương trình hộ mới thoát nghèo được 50 triệu đồng, đầu tư mua thêm bò, xây dựng chuồng trại nuôi chăn nuôi dê. Đến nay, nhà ông có đàn  bò và dê gần 10 con,  1ha cà phê, với nguồn thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.

Hay trường hợp khác là chị Đơr tại làng Kret Krot xã Hà Ra cho biết: “Trước đây nhà mình chỉ trông chờ vào mấy sào mì và đi làm thuê. Năm 2017, được cán bộ xã hướng dẫn vay 40 triệu đồng để trồng, chăm sóc 500 cây cà phê. Mình được tập huấn khuyến nông và kỹ thuật sản xuất. Năm 2020, vườn cà phê đã cho thu bói, hiện nay năng suất đạt khá, nhà mình có thu nhập ổn định”.

VẬN ĐỘNG GIỮ ĐẤT ĐỂ SẢN XUẤT
Đặc biệt từ năm 2017 đến nay, hệ thống chính trị 2 cấp huyện Mang Yang đã triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa XVI) về tăng cường sự lãnh đạo trong việc ngăn chặn chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật trên địa bàn huyện. Ông Lê Trọng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện chỉ đạo ngành chức năng, cùng các xã, thị trấn tăng cường giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai và kế hoạch sử dụng đất, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tổ chức đo đạc, đăng ký kê khai, lập  hồ sơ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân...”
 
ANH-THANH-NHAT-Xa-Đak-DjRang-ho-tro-cay-giong-cho-nguoi-dan-cac-lang-đong-bao-DTTS-san-xuat-DSCN0012.JPG
Xã Đak DjRăng hỗ trợ cậy giống cho người dân các làng đồng bào DTTS sản xuất (ảnh Thanh Nhật)
 
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã hướng dẫn đội ngũ già làng, người có uy tín tại các thôn làng DTTS tuyên truyền đồng bào DTTS nhận thức về tầm quan trọng của đất đai đối với đời sống, vận động bà con tích cực lao động sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống. Đồng thời,  triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để vươn lên thoát nghèo bền vững”, góp phần hạn chế tình trạng chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất ở vùng DTTS.

Các cơ quan ban ngành của huyện đã thực hiện quyết định của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân công phụ trách làng trọng điểm về an ninh chính trị và  yếu về hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời, khảo sát thực tế hộ nghèo và có những giải pháp vận động làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất và đời sống, từng bước xoá bỏ các thói quen xấu, tập tục lạc hậu, giúp đỡ về giống cây trồng vật nuôi, phổ biến khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi cho hộ DTTS...  

Xã Đak Djrăng có 5 làng dân tộc bahnar. Trong quá trình thực hiện chỉ đạo trên của Huyện ủy, gắn với  Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã tranh thủ các nguồn vốn để đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn, phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, ổn định đời sống. Xã thường xuyên tuyên truyền vận động người dân hình thành một số mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân các làng DTTS trên địa bàn.

Tại xã Đak Ta Ley, bà Hồ Thị Minh Thư - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đảng ủy xã thường xuyên chỉ đạo UBND xã tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nhận thức được hậu quả xấu phát sinh khi sang nhượng, cho thuê đất, cũng như tình trạng thiếu đất sản xuất và đói nghèo, phát sinh các tranh chấp và khiếu nại về đât đai… Đồng thời, phối hợp các ngân hàng tạo điều kiện vay vốn  sản xuất, giúp đồng bào DTTS giữ gìn quỹ đất hiện có để sản xuất ổn định lâu dài”.

Qua thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XVI), nhận thức của đồng bào DTTS trên địa bàn được nâng lên, tình trạng chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật đã giảm đáng kể, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS và xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân mỗi năm từ 2 đến 5%, cuối năm 2021 còn 7,21%. Căn cứ chuẩn nghèo đa chiều áp dụng giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 19,91% tổng số hộ toàn huyện, trong đó hộ nghèo DTTS chiếm 30,8% số hộ DTTS toàn huyện.
                                                                                                        Thanh Nhật - Báo Gia Lai

Các tin khác